Hai chương trình xúc tiến thương mại tại châu Phi
Ảnh minh họa
- Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á làm đầu mối triển khai hai chương trình xúc tiến thương mại này. Trong đó, đoàn giao thương đi Nigeria vào tháng 11 là nằm trong chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.
Đoàn giao thương đi Nigeria ưu tiên tham gia cho các doanh nghiệp trong ngành dệt may, da giày, nông sản, thủy hải sản, thực phẩm chế biến, hàng công nghiệp tiêu dùng, hóa dầu, năng lượng, khai khoáng…. Đây là những ngành hàng có nhiều tiềm năng đẩy mạnh xuất khẩu sang Nigeria.
Đoàn khảo sát thị trường Cameroon và CH Trung Phi vào tháng 8 nằm trong khuôn khổ Chương trình Phát triển thương mại liên vùng giữa các nước thuộc Liên minh kinh tế và tiền tệ Tây Phi (UEMOA), Cộng đồng kinh tế và tiền tệ Trung Phi (CEMAC) với Việt Nam do Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) tài trợ. Các doanh nghiệp được lựa chọn tham gia thuộc các ngành hàng trọng điểm như gạo, gỗ, bông, dệt may, khoáng sản…
Doanh nghiệp tham gia hai chương trình xúc tiến này được tài trợ một phần kinh phí: doanh nghiệp tham gia đoàn giao thương đi Nigeria sẽ được lựa chọn giữa hai hình thức hỗ trợ kinh phí, tiền vé máy bay hoặc chi phí hội thảo. Còn đoàn khảo sát thị trường Cameroon và CH Trung Phi được tài trợ chi phí khách sạn và đi lại.
Theo chiến lược tiếp cận thị trường châu Phi của Bộ Công Thương, một số nước châu lục đen được lựa chọn làm thị trường trọng điểm để tạo đột phá cho xuất khẩu và đầu tư của Việt Nam.
Nigeria, nền kinh tế lớn thứ hai châu Phi với 160 triệu người tiêu dùng, là thị trường lớn và đóng vai trò đầu mối vào khu vực Tây Phi cho hàng hóa Việt Nam.Thời gian gần đây, hoạt động giao thương Việt Nam- Nigeria gia tăng mạnh. Hàng trăm lượt thương nhân Nigeria vào Việt Nam tìm đối tác cung cấp hàng hóa, một số công ty Nigeria đã đặt văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh.
Hàng hóa Việt Nam được thị trường Nigeria đánh giá chất lượng ổn định và giá cả phù hợp nên nhiều doanh nghiệp Nigeria đang coi Việt Nam là nguồn cung hàng hóa thay thế Trung Quốc. Một số mặt hàng của Việt Nam đã thiết lập được đối tác tin cậy tại Nigeria như dệt may, dược phẩm, săm lốp ô tô, xe máy, đồ điện và điện tử, thủy sản…
Riêng mặt hàng gạo, Nigeria là thị trường tiêu thụ lớn với lượng nhập khẩu 1,5- 1,7 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, thị phần của gạo Việt Nam tại Nigeria còn rất nhỏ. Trong thời gian tới, mở thị trường Nigeria cho gạo Việt Nam là một ưu tiên.
Năm 2010, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam- Nigeria tăng trở lại sau khi chịu tác động của suy thoái kinh tế, trong đó nổi bật là xuất khẩu đạt gần 110 triệu USD, tăng gần 90% so với năm 2009. Chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Nigeria đạt 46 triệu USD.
Cameroon, nền kinh tế lớn nhất Trung Phi (chiếm 50% tổng GDP cả khu vực CEMAC) hứa hẹn nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam về thương mại và đầu tư. Hiện Cameroon là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại châu Phi, nằm trong 10 bạn hàng châu Phi lớn nhất, với kim ngạch năm 2010 đạt 90 triệu USD.
Năm 2010, Việt Nam xuất khẩu sang Cameroon đạt 33,65 triệu USD với các mặt hàng chính là gạo (23,5 triệu USD, hải sản (2,5 triệu USD), dệt may... Nhập khẩu của Việt Nam từ Cameroon gia tăng mạnh, năm 2010 là 55,6 triệu USD. Trong đó, gỗ nguyên liệu và sản phẩm gỗ chiếm 40 triệu USD, sắt thép phế liệu (3 triệu USD), bông (11,8 triệu USD).
CH Trung Phi chỉ có 5 triệu dân nhưng có tiềm năng về khoáng sản. Ngoài ra, CH Trung Phi rất quan tâm hợp tác với Việt Nam về đào tạo nhân lực, thương mại, y tế và nông nghiệp theo mô hình hợp tác 3 bên. Dự kiến, hai bên sẽ ký biên bản hợp tác thương mại và công nghiệp vào tháng 9 tới đây. Thương mại giữa hai nước còn rất nhỏ, trong đó Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là gạo, hải sản, dệt may và nhập khẩu bông, dầu FO, sắt thép…
* Đăng ký tham gia khảo sát thị trường Cameroon và CH Trung Phi:
Thời gian đăng ký: Hết ngày 25/7/2011. Liên hệ: Chị Đặng Thị Thanh Phương
E-mail: phuongdt@moit.gov.vn. Tel: 04.22205409 hoặc 0903258825.
* Đăng ký chương trình giao thương đi Nigeria:
Thời gian đăng ký: Trước ngày 30/8/2011. Liên hệ: Anh Trần Quang Tùng
E-mail: mailto:tungtq@moit.gov.vn Tel: Tel: 04.22205409
Doanh Chính