Khai trương giao dịch cổ phiếu VGT và HVN trên HNX |
Cổ phiếu của 2 doanh nghiệp nhà nước lớn thuộc ngành công thương (Vinatex) và giao thông vận tải (Vietnam Airlines) lên sàn chứng khoán ngay từ phiên giao dịch đầu tiên của năm, được dự báo sẽ khởi đầu một năm sôi động các cổ phiếu doanh nghiệp cổ phần hóa tiếp tục lên sàn.
Vinatex niêm yết cổ phiếu với mã chứng khoán VGT, còn Vietnam Airlines đăng ký giao dịch trên thị trường cổ phiếu các công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) với mã chứng khoán HVN. Khối lượng cổ phiếu VGT đưa vào giao dịch là 500 triệu cổ phiếu, giá tham chiếu 13.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị cổ phiếu giao dịch 5.000 tỷ đồng. HVN có khối lượng cổ phiếu đăng ký giao dịch trên 1,2 tỷ cổ phiếu, tổng giá trị cổ phiếu giao dịch trên 12.275 tỷ đồng, giá tham chiếu ban đầu là 28.000 đồng/cổ phiếu.
Theo ông Nguyễn Vũ Quang Trung - Phó Tổng giám đốc HNX, cổ phiếu VGT và HVN tham gia thị trường chứng khoán (TTCK) tập trung cho thấy, lãnh đạo 2 doanh nghiệp này thực hiện đúng các chính sách của nhà nước về cổ phần hóa gắn với phát triển thị trường chứng khoán, hướng đến công khai, minh bạch hóa hoạt động, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư và cổ đông thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ, mở ra kênh huy động vốn hiệu quả cho chính doanh nghiệp.
Ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Vinatex - cho biết, đơn vị đã chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2015 và vẫn là doanh nghiệp lớn nhất ngành dệt may Việt Nam, có hệ thống phân phối nội địa lớn nhất với trên 5.000 điểm bán hàng. Năm 2016, mặc dù thị trường may mặc quốc nhu cầu tế thấp, song Vinatex vẫn duy trì được đà tăng trưởng xuất khẩu trên 5%, cao nhất trong 7 nước xuất khẩu dệt may lớn của thế giới, thị phần được mở rộng ở cả thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.
Kết quả trên cho thấy, năng lực cạnh tranh của dệt may Việt Nam đang ngày càng tăng, năng lực sản xuất kinh doanh lớn. Việc niêm yết cổ phiếu trên TTCK không chỉ giúp Vinatex tiếp tục huy động được vốn cổ đông hiện hữu, mà còn tiếp cận được các nhà đầu tư tương lai để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, hoàn thiện chuỗi cung ứng, tăng năng lực phân phối, hình thành thương hiệu các doanh nghiệp dệt may.
Còn theo ông Phạm Ngọc Minh - Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, cổ phiếu HVN lên sàn UPCoM có quy mô lớn thứ 2 về khối lượng, tổng giá trị chiếm khoảng 11% vốn hóa toàn thị trường UPCoM. Vietnam Airlines là hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam lên sàn chứng khoán, hoạt động đã có một giai đoạn dài 20 tăng trưởng, chất lượng dịch vụ đạt 4 sao, chỉ số an toàn cao... Năm 2016, Vietnam Airlines thành công lớn trong kinh doanh với việc vận chuyển đạt 20,6 triệu lượt khách, 264.000 tấn hàng hóa (tăng trưởng 18,6%), doanh thu đạt 76.000 tỷ đồng (tăng 10%), lợi nhuận hợp nhất đạt 2.500 tỷ đồng (tăng 140%).
Mục tiêu cổ phiếu HVN lên sàn UPCoM và tiến tới niêm yết nhằm tiếp tục hoạt động hiệu quả, nâng cao uy tín, thương hiệu, tăng cường tính minh bạch, mở thêm một kênh huy động vốn… để đầu tư nâng cao hiệu quả hoạt động./.
TIN LIÊN QUAN | |