250 doanh nghiệp Hải Phòng thiệt hại tới 1.600 tỷ đồng do bão số 3 TKV trao kinh phí hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 gây ra |
Tại hội nghị, các đại biểu được cung cấp thông tin về việc khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tại Hải Phòng; cung cấp thông tin về những giải pháp giúp đỡ các doanh nghiệp khắc phục hậu quả do cơn bão số 3; giao ban báo chí.
Theo đó, dù gặp không ít khó khăn do cơn bão số 3 gây ra nhưng kinh tế TP. Hải Phòng duy trì đà tăng trưởng; so với cùng kỳ năm 2023, 9 tháng năm 2024: tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hải Phòng tăng 9,77%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng hơn 14%; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt gần 87.500 tỷ đồng, tăng gần 34%, đạt trên 82% dự toán HĐND TP. Hải Phòng giao. Môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố tiếp tục được cải thiện. Hiệu quả từ chuỗi các hoạt động xúc tiến đầu tư đã mang lại kết quả tích cực trong thu hút đầu tư nước ngoài. Thành phố tiếp tục đẩy mạnh triển khai nhiều công trình, dự án lớn trong các lĩnh vực như giao thông, đô thị, góp phần nâng tầm vị thế và mở đường phát triển cho nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội của thành phố. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường tiếp tục được quan tâm. Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được bảo đảm, giữ vững.
Quang cảnh hội nghị |
Về thiệt hại do bão số 3 gây ra: có 2 người tử vong; 67 người bị thương; 1 chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ giúp nhân dân khắc phục hậu quả sau bão. Gây hư hại cho các công trình: 11.870 nhà ở, 64 công trình quốc phòng, 603 điểm trường, 237 cơ sở y tế, 1.046 công trình văn hóa, di tích lịch sử văn hóa. Ảnh hưởng thiệt hại trên 23.300 ha diện tích lúa, trên 2.900 ha diện tích hoa màu, trên 695.000 cây cảnh, cây hoa, trên 7.100 ha diện tích rừng, trên 124.700 cây xanh gãy đổ… Tổng số tiền thiệt hại ước tính do bão số 3 gây ra trên địa bàn TP. Hải Phòng hơn 12.200 tỷ đồng.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp thông tin về công tác hỗ trợ doanh nghiệp, hộ dân khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra, ổn định sản xuất kinh doanh và đời sống.
Theo thống kê Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hải Phòng, ngành nông nghiệp trên địa bàn ước thiệt hại do thiên tai gây ra tính đến ngày 30/9/2024 là 4.881,898 tỷ đồng. Ngay sau bão số 3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các phòng, cơ quan, đơn vị trực thuộc căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp chặt chẽ với địa phương để tổng hợp thiệt hại; đồng thời tổ chức thực hiện ngay công tác khắc phục hậu quả. Hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các địa phương để rà soát, thống kê, xác định chính xác về thiệt hại lĩnh vực sản xuất nông nghiệp để kịp thời báo cáo theo quy định.
Để kịp thời phòng, chống dịch bệnh động vật sau mưa lũ, hỗ trợ các hộ chăn nuôi nhằm tiêu diệt, ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập phát sinh gây thiệt hại cho sản xuất chăn nuôi trên địa bàn, ngành nông nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương huy động mọi nguồn lực, tranh thủ mọi điều kiện, thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp đã đến kỳ thu hoạch; tiêu úng, khơi thông dòng chảy, hướng dẫn kịp thời, có hiệu quả các biện pháp kỹ thuật để khắc phục khôi phục sản xuất.
Cụ thể: Vệ sinh, dọn sạch tàn dư thực vật do bão, mưa lũ gây ra, tuyệt đối không vứt tàn dư xuống kênh, mương, hệ thống thủy lợi. Những diện tích không còn khả năng thu hoạch khẩn trương thu dọn, vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng, vật tư để tranh thủ thời vụ tốt nhất tiến hành sản xuất vụ mới… Đối với diện tích hoa màu bị thiệt hại không khắc phục được, bà con nông dân tiến hành vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị đất để trồng mới, đặc biệt nhóm rau ăn lá ngắn ngày được mở rộng gieo trồng. Đến ngày 25/9/2024, diện tích rau màu được trồng mới ước đạt 320 ha (cây rau, hoa...).
Đồng thời, chỉ đạo lực lượng quản lý đê điều chuyên trách tăng cường kiểm tra hệ thống đê điều, kịp thời phát hiện, xử lý ngay các sự cố có thể xảy ra; kịp thời xuất cấp vật tư dự trữ hộ đê (đã xuất 4.100 m2 bạt chống sóng, 35.500 chiếc bao tải, 125 chiếc xẻng, 55 chiếc cuốc, 20 chiếc mai, 850 chiếc rọ thép loại 2m3 và các công cụ, dụng cụ khác). Yêu cầu các công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi bố trí nhân lực kiểm tra, giải tỏa các điểm ách tắc cục bộ. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, thực hiện các phương án bảo đảm an toàn các cống dưới đê; chuẩn bị sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống úng đối với các công trình trọng điểm, vùng úng trọng điểm. Tổ chức khơi thông dòng chảy, vớt bèo, rác, giải tỏa các đăng, đó, vật cản trên các tuyến kênh. Kiểm tra, khắc phục các sự cố do công trình bị hư hỏng, bảo đảm tiêu úng; triển khai lực lượng, phương tiện, vật tư, thiết bị thực hiện chống úng theo phương án được duyệt.
3 tháng cuối năm, TP. Hải Phòng tập trung thực hiện một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm như: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phấn đấu hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; tập trung khắc phục hậu quả bão số 3, phục hồi sản xuất kinh doanh sau bão. Phối hợp với các cơ quan trung ương để hoàn thành: sơ kết Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; hoàn thành sơ kết Nghị quyết số 35 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án phát triển nhà ở xã hội kết hợp giải quyết nhà ở cho các hộ dân sinh sống tại các chung cư cũ trên địa bàn thành phố; chuẩn bị tổ chức tốt kỳ họp chuyên đề HĐND thành phố trong tháng 10 và kỳ họp thường lệ cuối năm 2024. Cùng các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác toàn diện thiệt hại đối với sản xuất, tài sản của người dân, doanh nghiệp, công trình cơ sở hạ tầng của nhà nước,… Tuyên truyền những dấu ấn trong phát triển kinh tế - xã hội và các hoạt động nổi bật của thành phố, nhất là hội nghị đối thoại giữa Thường trực Thành ủy và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào ngày 5/10/2024./.