Nhiều dự án điện bị chậm tiến độ do việc chọn nhà thầu kém năng lực.
CôngThương - Rẻ, mà không rẻ
Hàng loạt các dự án điện trong tổng sơ đồ điện VI chậm tiến độ đã không còn là cảnh báo. Các dự án chậm tiến độ phải kể đến là thủy điện Sông Ba Hạ, Pleikrông, Bản Vẽ; nhiệt điện chu trình hỗn hợp Nhơn Trạch 2, Uông Bí (mở rộng 1), Hải Phòng 1, Quảng Ninh 1, Vũng Áng 1... chậm từ 1-2 năm. Cá biệt có nguồn điện chậm 3 năm trở lên như Uông Bí (mở rộng 1), Mạo Khê, Nông Sơn, Vũng Áng 1, Ô Môn 1...
Điều đáng nói là các công trình chậm tiến độ đều do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận, khi ký hợp đồng thì cam kết đảm bảo tiến độ, nhưng chỉ khi thực hiện mới “lòi đuôi” ra là có rất nhiều vấn đề từ năng lực nhà thầu yếu, thiếu kinh nghiệm, thiết bị không đồng bộ, chưa nói chất lượng thiết bị của Trung Quốc không thể so với thiết bị của các nước phát triển, dự án không thu xếp được vốn... Điều này đã dẫn đến hệ lụy là các dự án không thể triển khai đúng tiến độ trong giai đoạn xây dựng, ngay cả khi đã đưa vào vận hành, nhà máy vẫn liên tục gặp sự cố, lỗi kỹ thuật, phải chỉnh sửa, không thể chạy tin cậy.
Dư luận cũng đặt nhiều quan ngại về tình trạng gần đây, nhiều công trình xây dựng mà tổng thầu là nhà thầu Trung Quốc đã đưa toàn bộ người Trung Quốc sang làm, kể cả những việc phổ thông. Ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí VN - lo lắng: “Nếu nhà thầu các nước giành hợp đồng EPC, họ sẽ thuê lại nhà thầu VN làm toàn bộ, họ chỉ làm nhà điều hành. Nhưng nếu là nhà thầu Trung Quốc thì coi chừng, người VN sẽ không còn gì để làm cả”.
Chủ tịch Hiệp hội VEA - ông Trần Viết Ngãi - cho biết: “VEA đã nhiều lần kiến nghị với Chính phủ về tính nghiêm trọng của vấn đề này và kiến nghị cần sửa Luật Đấu thầu, nhưng việc sửa rất chậm. Việc xét thầu dựa trên giá trúng thầu thấp, tưởng rẻ nhưng sẽ là không rẻ”.
“Đấu thầu”, không “đấu giá”
Nếu căn cứ vào tiến độ chậm đưa dự án vào hoạt động, làm phát sinh chi phí thì đúng là không hề rẻ. Ông Ngãi cho biết: “Đối với các dự án nhiệt điện chạy than, dầu, nhiệt điện chu trình hỗn hợp chạy khí, hiện VN chưa ban hành tiêu chuẩn thiết kế nên phải áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài của nước trúng thầu (trong trường hợp này là tiêu chuẩn Trung Quốc) khiến chất lượng thiết bị không cao, ảnh hưởng đến quá trình vận hành, thi công”. Ông cũng khuyến cáo cần bổ sung, sửa đổi một số quy định hiện hành về đấu thầu để cho phép các chủ đầu tư lựa chọn các thiết bị chất lượng cao, các nhà thầu EPC có kinh nghiệm từ các nước công nghiệp phát triển như: G7, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Điều quan trọng, theo ông Ngãi, giá dự thầu không nên được xem là tiêu chí quyết định trong việc trao hợp đồng EPC. Thay vào đó, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng bổ sung Luật Đấu thầu theo hướng cho phép chủ đầu tư lựa chọn thiết bị chất lượng cao, nhà thầu EPC có kinh nghiệm từ các nước công nghiệp phát triển; chú trọng đến yếu tố tổng chi phí và chuyển giao công nghệ; nhà thầu phải đạt tỉ lệ nội địa hóa về chế tạo thiết bị tại VN; phải sử dụng các kỹ sư và người lao động làm việc tại dự án.
Theo VEA, trong QHĐ VII, từ nay đến năm 2020, VN phải đáp ứng được 75.000MW điện, gấp 3 lần tổng công suất điện hiện nay (24.000MW), nếu không nhanh chóng khắc phục những tồn tại, nhiều khả năng QHĐ VII sẽ giẫm theo “vết xe đổ” của QHĐ VI, chậm tiến độ và chất lượng kém.