Hạn hán ở Mỹ làm giá nông sản tăng cao
- Theo báo cáo của FAO, hạn hán ở Mỹ đã ảnh hưởng tới 75% diện tích trồng ngô và đậu tương gây áp lực lớn lên việc tăng giá nông sản cũng như tạo biến động khó lường lên thị trường lương thực quốc tế trong trung hạn. Theo Tạp chí định kỳ hàng quý của FAO về an ninh lương thực và dinh dưỡng, giá ngô, lúa mì và đậu tương thế giới đã tăng trên 30% từ đầu tháng 6 đến ngày 20/7/2012.
Các nước xuất khẩu các loại nông sản đó như Argentina, Brasil và Paraguay sẽ có thể tăng xuất khẩu của họ trong ngắn hạn. Ngoài ra, cũng có thể tăng thêm đầu tư vào nông nghiệp do nguồn thu từ xuất khẩu tăng, đồng thời cũng tạo cho họ tăng cường hệ thống an sinh xã hội của mình, giúp làm hạn chế tác động tiêu cực từ việc tăng giá lương thực thực phẩm- ông Raul Benitez, đại diện của FAO tại khu vực nhận định.
Mặt khác, ông Raul Benitez cũng chỉ rõ, mức giá nông sản tăng cao hiện nay trong ngắn hạn là một thách thức không nhỏ đối với các nước phải nhập khẩu các nông sản, đặc biệt là các nước mà nguồn nhập khẩu của họ chủ yếu phụ thuộc vào Hoa Kỳ như Mexico, các nước trung Mỹ và Caribe. Do vậy, các nước này cần phải đề ra các chính sách và biện pháp để mở rộng sản xuất lương thực trong nước, đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu và củng cố hệ thống an sinh xã hội
Về tình hình sản xuất lương thực trong khu vực, theo báo cáo của FAO, sản xuất nông nghiệp của Mỹ la Tinh và Caribe đã phuc hồi sau khi bị giảm mạnh trong niên vụ 2011- 2012, dự kiến niên vụ 2012-2013 sẽ tăng 4%, đặc biệt là ngô và các loại ngủ cốc khác như lúa mạch, yến mạch và lúa miến. Ở khu vực Nam Mỹ, sản xuất lương thực dự kiến đạt 122 triệu tấn tăng 8% so với niên vụ trước, trong đó chủ yếu do tăng thu hoạch ngô, dự kiến đạt 68,5 triệu tấn, tăng 22% so với năm 2011. Trong khu vực này, duy nhất chỉ có Argentina là thu hoạch ngô sẽ chỉ đạt 20,1 triệu tấn, giảm 12% mặc dù diện tích gieo trồng tăng 10%. Còn tại Bolivia, thu hoach ngô dự kiến sẽ đạt 1 triệu tấn, tăng 4% so với năm ngoái, do điều kiện thời tiết ôn hòa hơn cũng như tăng diện tích canh tác. Tại Chile và Colombia dự kiến thu hoạch ngô sẽ tăng 8% so với niên vụ trước đó. Còn Mexico dự kiến sản lượng ngô sẽ đạt 21,8 triệu tấn, tăng 14% so với năm ngoái.
Xuất khẩu nông sản thực phẩm của Mỹ la Tinh đã tăng 8% trong quý I/2012 so với quý I năm 2011, với tổng trị giá là 47 tỷ USD, còn nhập khẩu của khu vực đạt 19 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Raul Benitez khuyến cáo, các nước Mỹ La Tinh và Caribe cần phải duy trì tính bền vững trong thương mại nông sản ở khu vực, tìm các biện pháp bổ sung một cách hài hòa giữa các nước xuất khẩu và các nước nhập khẩu nhằm góp phần hạn chế các tiêu cực trong ngắn hạn do tác động của việc tăng giá lương thực.
Trần Đình Văn
Thương vụ Việt Nam tại Chile