Không chỉ tràn ngập tại các chợ lớn, nhỏ, hàng nhái, hàng giả còn “len lỏi” trà trộn vào nhiều trung tâm thương mại. Thay vì lén lút, âm thầm chuyền tay bán thì nay, các mặt hàng này được người bán bày bán công khai. Thực trạng này khiến người tiêu dùng hoang mang lo lắng.
Mới đây, tại Trung tâm thương mại Phước Bình, khu phố 6, phường Long Phước, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước, Đội Quản lý thị trường số 6 Cục Quản lý thị trưởng tỉnh Bình Phước đã kiểm tra và thu giữ hàng loạt sản phẩm giày thể thao giả nhãn hiệu adidas, NIKE. Tại thời điểm kiểm tra đại diện hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ của toàn bộ số hàng hóa trên. Tổng giá trị hàng hóa là 18.590.000 đồng.
Thực tế, đây không phải lần đầu phát hiện bán hàng lậu, hàng nhái hàng giả tại trung tâm thương mại với số lượng lớn như vậy.
Còn nhớ trước đó, lực lượng quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh cũng đã “tổng tấn công” các chợ “nhà giàu” là Saigon Square, chợ Bến Thành, Trung tâm thương mại An Đông phát hiện và thu giữ số lượng lớn quần áo, giày dép, đồng hồ, túi xách… với đủ các thương hiệu nổi tiếng thế giới. Hầu hết các sản phẩm đều nghi là hàng hóa nhập lậu, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm sở hữu trí tuệ.
Hàng loạt sản phẩm hàng giả, hàng nhái vẫn ngang nhiên được bày bán tại siêu thị, trung tâm thương mại |
Vào hồi tháng 9/2022, dư luận vô cùng bức xúc khi báo chí phản ánh tại cơ sở sơ chế rau của Công ty TNHH MTV Viager, từ khoảng 23h đến 3h sáng mỗi ngày, nhiều xe máy chở các loại rau ăn lá - trái - củ tới giao cho công nhân nhận và tiếp tục sơ chế, đóng gói, sau đó dán tem nhãn "Rau củ quả Đà Lạt", kèm thông tin Công ty TNHH nông sản Trình Nhi. Đặc biệt trên tem của đơn vị này còn có logo biểu thị rau củ đạt chuẩn VietGAP. Đáng nói là, loại rau “giả mạo" này lại được đưa vào bán trong các siêu thị. Người tiêu dùng vốn tin tưởng nông sản có chứng nhận VietGAP là rất an toàn, do đó, họ bức xúc khi rau, củ có xuất xứ không rõ ràng lại được "hô biến" trở thành nông sản sạch.
Sau vụ việc này, dây chuyền sản xuất phân phối nông sản của Công ty Cổ phần sản xuất thương mại Đông A (phường Linh Đông, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) chuyên cung cấp rau, củ quả cho các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố cũng bị phanh phui hành vi gian lận. Tại đây, nhiều sản phẩm rau xanh có nguồn gốc khác nhau được phù phép, dán tem mới của thương hiệu Đông A, với nội dung "Tươi ngon từ nông trại đến bàn ăn", đi kèm là logo thể hiện đạt chuẩn VietGAP. Các sản phẩm "được thay áo mới" của công ty Đông A với mục đích đưa vào thị trường để "đội giá" lên cao, tăng thêm lợi nhuận.
Những vụ việc này cho thấy công tác kiểm soát đầu vào của các siêu thị, trung tâm thương mại vẫn là câu hỏi lớn được đặt ra. Vì sao hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn lọt vào kệ siêu thị, trung tâm thương mại dù đã trải qua chuỗi kiểm tra của cơ quan quản lý và kiểm soát nội bộ? Ai hay đơn vị nào chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng này và cần có biện pháp mạnh ra sao để không lặp lại?
Số liệu thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, lực lượng chức năng đã kiểm tra gần 3.000 vụ liên quan hàng giả và xử phạt gần 30 tỷ đồng. Con số cho thấy vấn nạn hàng giả, hàng nhái vẫn tiếp tục hoành hành, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Có thể thấy, hàng giả, hàng nhái không chỉ kìm hãm sự phát triển kinh tế mà còn trực tiếp xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu người tiêu dùng vẫn có tâm lý ham rẻ, sính ngoại, biết hàng giả mà vẫn mua đồng nghĩa với việc tiếp tay cho hàng nhái tiếp tục có đất sống.
Do vậy, cơ quan chức năng tăng cường hệ thống giám sát và chất lượng tiêu chuẩn sản phẩm sản xuất ở Việt Nam và nhập khẩu vào Việt Nam. Có chế tài xử lý thật nghiêm những vi phạm về hàng giả, hàng nhái... Đồng thời người tiêu dùng cũng phải kiên quyết nói không với hàng giả, hàng nhái thì mới có thể đẩy lùi được vấn nạn này.