Tăng cường quyền tiếp cận sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số Phú Thọ xác định "dân vận khéo" vùng dân tộc thiểu số chính là góp phần Bảo vệ nền tư tưởng của Đảng |
Clip hài "sặc mùi" kỳ thị dân tộc
Hàng loạt các kênh Youtube như A.H TV, A.H.P.H, P.H.M - B.B Film... đều có những video được cộng đồng mạng đánh giá là lố lăng, phản ánh sai lệch bản sắc dân tộc thiểu số, "sặc mùi" định kiến và kì thị dân tộc.
Hàng loạt clip phản cảm về người dân tộc thiểu số (ảnh minh họa) |
Theo đó, nhân vật chính trong các clip hài dạng này được xây dựng là một anh "dân tộc", khoác bộ quần áo của dân tộc thiểu số rồi phát ngôn và hành động có vẻ ngô nghê. Kịch bản là những câu chuyện có vẻ lạc hậu, chậm tiến, có phần dung tục của nhân vật để "câu view".
Nổi bật là kênh Youtube A.H TV với hơn 1 triệu lượt đăng ký đã đăng tải hàng loạt clip về các nội dung như: Anh tộc lo mất vợ, anh tộc ngoại tình, anh tộc nhục nhã vì cái áo con, anh tộc ghen giữa chợ, anh tộc giải cứu cô gái bị nghẹn mít, anh tộc canh ty vợ, lần đầu xuống chợ, anh tộc gọi vay tiền tổng đài, anh tộc lắp cam hành trình vào xe đạp...
Bên cạnh A.H TV, nhân vật A.H cũng tiếp tục xuất hiện trong kênh A.H.P.H. Nội dung, kịch bản cũng đều na ná kênh A.H TV. Đặc biệt là kênh này cũng có những clip phản cảm như: Anh tộc tham ăn, anh tộc dẫn khách vào nghĩa trang mua đất.
Đối với kênh P.H.M - B.B. Film với hơn 900 nghìn người đăng ký cũng bị cộng đồng cho rằng rất phản cảm. Kênh này có những clip về "bắt vợ" khiến người xem cảm thấy như người dân tộc thiểu số còn rất nhiều hủ tục: Bắt vợ, gả ba con gái cho một người chồng...
Bên cạnh đó, kênh này cũng có những clip đầy miệt thị, chế giễu từ tên clip đến nội dung: Tộc bán đào, tộc cãi lý công an, chuyện về anh tộc và cảnh sát giao thông... Những clip này dựng lên hình ảnh người dân tộc thiểu số ngây ngô, thiếu hiểu biết, không biết đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông...
Điều đáng nói, những video này có trung bình hàng trăm nghìn, thậm chí vài triệu lượt xem, sức ảnh hưởng đến cộng đồng không hề nhỏ. Do đó, có thể khiến người xem nghĩ rằng, người dân tộc vùng cao vẫn còn rất mông muội. Nhìn rộng ra, điều đó có thể khiến bạn bè quốc tế lầm tưởng rằng Việt Nam vẫn còn rất đói nghèo và lạc hậu.
Theo anh Mạnh - một người dân tộc Tày ở huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn cho biết, khi xem những clip hài về người dân tộc thiểu số được chia sẻ trên mạng, anh cảm thấy bị xúc phạm vì đó là tiếng cười cợt nhả có dấu hiệu kỳ thị dân tộc.
Anh Mạnh cho rằng, những clip cho rằng người dân tộc thiểu số đang lạc hậu, chậm tiến là không đúng. Bởi lẽ, hiện nay cuộc sống, kinh tế, văn hóa của những cộng đồng dân tộc vùng cao cũng không thua kém gì các dân tộc khác.
"Tôi đánh giá người viết kịch bản, ekip sản xuất, nhân vật diễn xuất cũng không hiểu gì văn hóa dân tộc nên đã tạo ra những clip nhố nhăng. Đó là những clip câu view, câu like rẻ tiền, kệch cỡm và có dấu hiệu miệt thị người dân tộc thiểu số", anh Mạnh nói.
Được biết, trước đó (ngày 17/4/2020), Ủy ban Dân tộc đã có Công văn số 455 gửi Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và truyền thông) nêu rõ: “Nội dung một số tiểu phẩm có nhiều hình ảnh, lời thoại và thông tin tục tĩu, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm và nhân quyền của người dân tộc thiểu số và gây chia rẽ, mất đoàn kết dân tộc".
Theo Nhà nghiên cứu dân tộc - TS Mai Thanh Sơn, tên của một số tiểu phẩm cũng cho thấy sự thiếu tôn trọng khi sử dụng từ “tộc”. Văn bản của Ủy ban Dân tộc nêu rõ các tiểu phẩm gây rạn nứt đại đoàn kết dân tộc như: Tộc bán đào tết lừa Kinh", "Tộc lừa Kinh bán thịt lợn ôi và cái kết… Đây rõ ràng là giễu nhại người dân tộc thiểu số, “dán nhãn” họ một cách có hệ thống.
Dù các nhà văn hóa, Ủy ban Dân tộc lên tiếng, báo chí phản ánh quyết liệt nhưng các clip hài này vẫn tiếp tục được sản xuất, thậm chí còn biến tướng thành nhiều kênh khác nhau để tiếp tục câu view, câu like...
Cách nhìn "méo mó" về cộng đồng dân tộc thiểu số
Trao đổi với Vuasanca , nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh cho biết, với tư cách là một người đồng bào dân tộc thiểu số, một đồng chí nguyên là lãnh đạo Ủy ban Dân tộc làm công tác tham mưu cho Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc, bà rất bức xúc trước thực trạng những clip hài phản cảm, sai lệch về văn hóa dân tộc và miệt thị người dân tộc thiểu số.
Theo bà Hạnh, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phát triển của internet trên toàn cầu thì việc thông tin truyền thông nói chung, trong đó thông tin truyền thông về vùng đồng bào dân tộc thiểu số càng ngày càng phát triển. Tuy nhiên, hiện nay có một số clip, hài kịch ngô nghê, tục tĩu và kèm theo những hành động hết sức phản cảm để chế giễu về dân tộc thiểu số.
Những video hài này có thể gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến văn hóa, xã hội. Những sản phẩm đó có thể khiến các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam hiểu lầm về văn hóa, phong tục, tập quán của nhau như: Tại sao dân tộc này lại lạc hậu như vậy? Dân tộc này văn minh nhân dân tộc kia.
Nghiêm trọng hơn, những clip này còn khiến thế hệ trẻ chưa có đủ điều kiện để hiểu thật sự về văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, dẫn đến cách nhìn méo mó về cộng đồng dân tộc.
Nghiêm trọng hơn, đó là sự xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và bóp méo truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu không cẩn thận thì còn gây chia rẽ, mất đoàn kết giữa các nhóm dân tộc với nhau. Trong khi đó, Khoản 2, Điều 5 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã nêu rõ rằng, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc.
Nhìn rộng hơn, những clip hài này đã đi ngược lại chủ trương của Đảng và Nhà nước về đại đoàn kết các dân tộc. Trong khi hiện nay, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đang xây dựng và hoàn thiện Công ước quốc tế về xóa bỏ những hình thức phân biệt chủng tộc trước Liên hợp quốc.
Năm 2020, Ủy ban Dân tộc cũng đã có công văn đề nghị chấn chỉnh vấn đề này nhưng thực trạng trên vẫn tiếp diễn. Nguyên nhân là do chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe, do đó cần bổ sung chế tài xử lý mạnh mẽ hơn vào trong các Bộ luật Dân sự hay là Hình sự có liên quan.
Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh |
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm rất lớn đến công tác tuyên truyền, vận động ở vùng và thiểu số. Ủy ban Dân tộc cũng đã tham mưu Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành Trung ương như là Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Văn hóa, Ủy ban nhân dân các tỉnh và kể cả Quốc hội tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức. Chiến lược đổi mới truyền thông về công tác dân tộc thiểu số và ở vùng đồng bào dân tộc miền núi cũng đã được quan tâm hơn.
Đảng và Nhà nước đang có rất nhiều chính sách chăm lo, hỗ trợ cho đời sống, kinh tế, văn hóa đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng ta đã "rót" bao nhiêu ngàn tỷ về các chương trình mục tiêu quốc gia, những nghị quyết, quyết định để hỗ trợ đồng bào dân tộc.
Bà Hạnh cho rằng, những clip hài về nội dung đồng bào dân tộc lạc hậu là phủ nhận các chính sách của Đảng và Nhà nước nhiều năm qua.