Hàng “Made in America” có sống được trong thời toàn cầu hóa?
- Cứ mỗi năm khoảng 30 triệu du khách đến năm bảo tàng 19 Smithsonian Museums ở Washington DC để tham quan.
Thế nhưng khi mua đồ lưu niệm, họ đã rất ngạc nhiên khi tìm thấy con tem trong cửa hàng bán quà tặng của bảo tàng có dòng chữ: Made in China.
Ông Nick J. Rahall, một hạ nghị sỹ có tiếng nói của Đảng Dân chủ, nói: “Tôi cảm thấy thật lố bịch và ngu xuẩn khi những người Mỹ đến thăm bảo tàng và mang về nhà con tem mang dòng chữ “Made in China”.”
Vào đầu năm nay, ông đã đưa ra dự thảo luật “Buy American at the Smithsonian Act of 2011” tạm dịch “Mua hàng Mỹ tại Smithsonian”, ông khẳng định: “Tôi tin rằng không nên để các địa điểm quan trọng của nước Mỹ tràn ngập hàng Trung Quốc mà lẽ ra nó có thể được sản xuất ngay tại Mỹ.”
Câu chuyện về Smithsonian hết sức tiêu biểu cho tình trạng của ngành sản xuất Mỹ hiện nay. Khi hoạt động sản xuất được chuyển ra nước ngoài ngày một nhiều, càng khó hơn để tìm được sản phẩm được sản xuất tại Mỹ và giá cả các mặt hàng này đắt đỏ hơn.
Các chuyên gia phân tích cho rằng khi công việc sản xuất được chuyển ra nước ngoài, việc làm dành cho người Mỹ cũng mất. Tuy nhiên một số công ty Mỹ đã cam kết chuyển sản xuất về nội địa Mỹ, điều này không khỏi khiến người ta nhớ đến thời kỳ thập niên 1970 khi hàng hóa thịnh hành “Made in US”.
Giám đốc điều hành của Topps, một công ty lớn của Mỹ, mới đây đã quyết định tiếp tục thuê văn phòng tại Manhattan, động thái này dù khiến công ty tốn kém nhiều tiền nhưng vẫn giữ được bản sắc một công ty Mỹ.
Ông Ryan O’Hara nói: “Chúng tôi quyết định rằng duy trì là một công ty Mỹ và đóng trụ sở tại trung tâm của New York mang rất nhiều ý nghĩa.”
Ông Mark Perry, giáo sư kinh tế tại đại học University of Michigan, cho rằng bất chấp áp lực toàn cầu, ngành sản xuất Mỹ sẽ vẫn đứng trong nhóm hàng đầu thế giới, chỉ sau Pháp, tiến xa hơn Anh, Ý và Braxin.
Ở mức tổng sản lượng hàng năm khoảng 2,155 nghìn tỷ USD, ngành sản xuất Mỹ lớn hơn 45% so với Trung Quốc. Dù năng suất tăng cao nhưng số người làm việc trong ngành sản xuất Mỹ giảm hơn 7 triệu tính từ cuối thập niên 1970.
Số lượng việc làm trong ngành sản xuất giảm có thể vì nguyên nhân công nghệ mới và ngành sản xuất được tự động hóa, nhu cầu lao động giản đơn giảm. Việc chuyển sản xuất sang các nước có chi phí lao động thấp cũng khiến số lượng việc làm tại Mỹ giảm.
Tuy nhiên hạ nghị sỹ Nick J. Rahall cho rằng hoạt động tiết kiệm trong ngắn hạn như trên sẽ tác động xấu đến kinh tế Mỹ trong dài hạn: “Cái giá quá đắt chính là việc chúng ta tiếp tục chuyển công ăn việc làm đến Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nơi khác.”
Ông nói thêm rằng người Mỹ cần thấy việc mua hàng “Made in US” chính là giúp cho hàng xóm của họ, giúp cho kinh tế Mỹ phục hồi. Người Mỹ thường muốn mua hàng sản xuất tại Mỹ và tôi tin phần lớn sẽ chấp nhận trả thêm tiền nếu họ biết việc họ làm sẽ mang đến việc làm cho người Mỹ.”
Ông tin nên bắt đầu từ những việc nhỏ như bán hàng lưu niệm sản xuất tại Mỹ ở bảo tàng Smithsonian: “Không ai có thể tranh luận rằng việc yêu cầu bảo tàng Smithsonian bán hàng lưu niệm Mỹ sẽ giúp giảm được thâm hụt ngân sách, thế nhưng nó sẽ phần nào giúp kinh tế của chúng ta phục hồi. Hơn nữa thật nực cười khi người du lịch mang quà lưu niệm mua từ thủ đô của nước Mỹ, nhưng hàng đó được sản xuất tại Trung Quốc.”
Ông Garry Ridge, CEO của WD-40, là người đứng đầu của một trong những công ty sở hữu thương hiệu được ngưỡng mộ nhất của Mỹ. Công ty này được sáng lập năm 1953, chuyên sản xuất chất nhờn và chất bôi trơn cho ngành hàng không.
60 năm sau, người đứng đầu đến từ Úc này khẳng định công ty này không còn thuần Mỹ.
Ông nói: “Chúng tôi là một công ty toàn cầu đã từng có trụ sở tại San DieGo, thế nhưng trước đây chúng tôi sống trong một ngôi nhà, một con phố, một khu ngoại ô, một thành phố trên thế giới. Nay chúng tôi sống trong căn nhà của thế giới.” Ông cũng nhấn mạnh rằng hơn một nửa công việc kinh doanh của công ty hiện ở bên ngoài biên giới Mỹ.
Ông khẳng định dù sản phẩm của công ty ông, tất cả không hoàn toàn được sản xuất tại Mỹ, thế nhưng việc làm tại Mỹ hay ở nước ngoài mà công ty này tạo ra cũng sẽ mang đến tác động tích cực cho kinh tế Mỹ nói chung.
Nhiều giám đốc điều hành khác khẳng định các tập đoàn lớn không nhất thiết phải có trách nhiệm tạo công ăn việc làm cho người Mỹ trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Theo DDDN