Sắp tới, khi thực thi EVFTA, thị trường trong nước bắt buộc phải tiếp tục mở cửa thêm cho hàng nhập khẩu từ các nước EU vốn có lợi thế về thương hiệu, chất lượng, uy tín, tạo thêm áp lực cho các DN trong nước. Bà nhận định như thế nào về vấn đề này?
Người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm đảm bảo chất lượng |
Người tiêu dùng (NTD) Việt Nam luôn rất cởi mở với các sản phẩm mới. Nghiên cứu của Nielsen với 49% NTD được hỏi cho biết, họ sẵn sàng thử sản phẩm mới. Chúng tôi nhận thấy, hiện tại, trên thị trường, có rất nhiều sự lựa chọn cho NTD với đa dạng sản phẩm mới được tung ra.
Riêng năm 2019, có đến 6.455 sản phẩm mới được ra mắt và trong nhiều trường hợp, có rất nhiều sản phẩm không đủ tiêu chuẩn có mặt trên quầy kệ. Ở một số ngành hàng, 3% mã sản phẩm đóng góp 80% doanh số; trong đó, 80% mã sản phẩm chỉ đóng góp 2% doanh số tổng của ngành hàng.
Bà Louise Hawley - Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam |
Đồng thời, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, NTD mong muốn được đảm bảo hơn về sự an toàn và độ tín nhiệm. NTD Việt thực sự mong muốn mạnh mẽ hơn đối với các sản phẩm địa phương so với mức trung bình toàn cầu, với 17% NTD cho biết, họ chỉ mua và 59% cho biết, họ chủ yếu mua sản phẩm địa phương (so với mức trung bình toàn cầu là 11% và 54%). Điều này mang đến cơ hội cho các sản phẩm địa phương củng cố thông tin về nguồn gốc xuất xứ.
Tuy nhiên, các nhà cung cấp địa phương vẫn phải tiếp tục cung cấp sản phẩm có giá trị tốt phù hợp với nhu cầu chung được lựa chọn bởi NTD và đảm bảo sự có mặt sản phẩm của mình trên quầy kệ. Điều này đặc biệt đúng vì chúng tôi biết rằng, nhiều sản phẩm trên quầy kệ không đóng góp đáng kể vào doanh số và do đó, có nguy cơ bị hủy bỏ khỏi danh mục khi nhiều sản phẩm mới gia nhập thị trường.
Hiện, NTD đang tìm kiếm sự đảm bảo về chất lượng sản phẩm cũng như uy tín, thương hiệu. Tuy nhiên, sản phẩm có nguồn gốc địa phương vô cùng quan trọng ở Việt Nam và có lợi thế hơn so với các sản phẩm quốc tế ít người biết đến.
Viễn cảnh cuộc sống hậu Covid-19, Việt Nam nằm trong mô hình các quốc gia “phục hồi”. NTD Việt Nam đang có xu hướng sử dụng các sản phẩm tiêu dùng nội địa nhiều hơn, liệu đây có thể là lợi thế cho các DN Việt không, thưa bà?
Hậu Covid-19, sẽ bước vào một cuộc sống bình thường mới. Những gì chúng ta có thể thấy là nhiều thay đổi trong hành vi tiêu dùng sẽ tiếp diễn. Điều quan trọng nhất, các DN hiểu những thay đổi đó là gì và dần thích nghi.
Trước hết, đó là chất lượng. Chúng tôi đã làm một cuộc khảo sát với NTD trước đại dịch Covid-19 và thấy rằng, gần 2/3 NTD Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm đảm bảo chất lượng, sức khỏe và an toàn. Điều đó vượt xa mức trung bình toàn cầu là 49%.
Tất cả điều đó không những tác động rất lớn đến việc DN đổi mới các dịch vụ và sản phẩm mới mà còn giao tiếp với NTD, bao gồm cả việc tiếp thị, đóng gói sản phẩm và trưng bày trên quầy kệ… Thấu hiểu nhiều NTD ra quyết định mua hàng rất nhanh ngay tại điểm bán sẽ giúp các nhà sản xuất nghĩ đến việc triển khai tại cửa hàng cụ thể.
Bà có khuyến nghị nào cho các DN Việt, để hàng Việt “lấy lòng” NTD trong nước?
Dịch Covid-19 đã tạo nên sự chuyển biến trong kênh bán hàng hiện đại và thương mại điện tử. Tuy nhiên, kênh bán hàng truyền thống chiếm tỷ trọng 85% vẫn là kênh quan trọng không thể lơ là. Đây là lúc DN cần thiết để xem xét đâu mới là vấn đề quan trọng nhất vì không thể tập trung vào tất cả mọi thứ. Việc xác định những cửa hàng trọng điểm là cách để tối ưu hóa cơ hội của DN.
Việt Nam là thị trường rất nhạy cảm về giá. Với tình trạng nhiều người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, có chiến lược đúng đắn về giá và khuyến mại là vô cùng cấp thiết.
Tối ưu hóa danh mục sản phẩm là vấn đề cuối chúng tôi lưu ý với DN. DN có rất nhiều cơ hội để đổi mới thông qua những sản phẩm mới cùng lợi ích cụ thể. Cần tìm hiểu về kích cỡ bao bì mới ở những mức giá khác nhau để phù hợp với chuẩn mực mới về giá trị cũng như sự chuyển đổi trong các kênh mua sắm…
Xin cảm ơn bà!