Hàng Việt vượt sóng ra đảo
Đó là những chia sẻ rất chân thành của các doanh nghiệp (DN) khi tham gia phiên chợ đưa hàng Việt về huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) trong những ngày cuối năm 2014.
Cô Tô ngày biển động
Nhận được “lệnh” đến Cô Tô công tác vào một ngày mùa đông, gió mùa, lạnh buốt, chị Lục Thị Dương - phụ trách gian hàng siêu thị Big C Quảng Ninh - hồ hởi gọi cho tôi: “Đi cùng chúng mình nhé. Đây là lần đầu tiên Big C Quảng Ninh đưa hàng Việt về hải đảo, hào hứng lắm”. Gạt đi ngại ngần vì thời tiết không thuận lợi, tôi bắt chuyến xe cuối cùng trong ngày về Quảng Ninh, lòng vui lây với sự háo hức của cô bạn.
Khó khăn bắt đầu ập đến khi cách ngày khai mạc phiên chợ 4 ngày, Cô Tô bất ngờ nổi bão, biển liên tục động cấp 5, cấp 7. Từ đất liền ra đảo chỉ có 2 phương tiện là tàu cao tốc (chở người) và tàu gỗ (chở hàng), một ngày chạy 2 chuyến, tàu không thể khởi hành khi trời nổi bão. Trong căn phòng của Trung tâm Xúc tiến thương mại Quảng Ninh - đơn vị tổ chức phiên chợ, điện thoại của DN hỏi giờ xuất hành réo liên tục. Chị Nguyễn Thị Thúy - Phó giám đốc trung tâm - như ngồi trên đống lửa: “lo quá em ơi, đây là lần đầu tiên chúng tôi tổ chức phiên chợ về Cô Tô, đã chuẩn bị hết rồi mà bão không ra được thì hỏng hết, bà con trông, tội lắm!”.
Dường như trời chiều lòng người, khi chỉ còn đúng 1 ngày là tới phiên khai mạc, bão suy yếu, trời hửng nắng, tất cả lập tức lên tàu. Để hàng hóa được an toàn, ngoài một lớp thùng carton, tất cả các kiện hàng đều được “mặc” thêm một lớp áo nilon hoặc xốp mỏng. Chuyến tàu khởi hành, biển Quảng Ninh đón chúng tôi bằng những con sóng bạc đầu cao ngất. Tôi gần như nín thở khi nhìn ra bên ngoài chỉ thấy bọt tung trắng xóa, từng đợt sóng đập ầm ào vào hai bên mạn tàu, con tàu dâng lên rồi ập xuống liên tục. Có cảm giác không phải tàu đang chạy bên trên mà đang lướt đi trong lòng những con sóng ầm ào, dữ dội… Mất 4 giờ liên tục như vậy tàu mới cập cảng Cô Tô. Nhìn khuôn mặt đã tái mét đi vì say sóng của tôi, chị Thúy động viên: “ơn trời, hàng hóa cập cảng an toàn rồi!”. Từng kiện hàng được cẩn thận xếp xuống xe, nối đuôi nhau chạy về khu hội chợ. Dường như những tấm áo, đôi giày cũng ngấm trọn cái nắng, gió và vị mặn mòi của biển…
Góp nhặt những niềm vui
Có trực tiếp tham gia một phiên đưa hàng về nông thôn, hải đảo mới thấy niềm khát khao được tiếp cận với các sản phẩm Việt lớn đến thế nào. Phiên chợ đã thực sự biến thị trấn Cô Tô trở thành ngày hội khi đám trẻ nhỏ mải mê hò hét chạy theo xe quảng cáo, chủ đề phiên chợ trở thành chủ đề chính trên khắp các nẻo đường. Lấp ló sau hàng rào khu chợ là các bà, các chị tò mò: “bán hàng gì vậy cô? có nhiều hàng không cô?...”
Chia sẻ với phóng viên, ông Đào Văn Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô - cho biết, hiện nay, hàng hóa trên đảo hầu hết được mang ra từ đất liền, phí vận chuyển lớn nên giá bán khá cao. Việc tổ chức những phiên chợ đưa hàng Việt về hải đảo có ý nghĩa lớn vì giúp người dân tiếp cận với hàng hóa có chất lượng, giá cả phải chăng.
Ông Đào Văn Vũ - Phó chủ tịch UBND huyện Cô Tô: Được triển khai trên địa bàn Cô Tô hơn 1 năm, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức cho người dân. Đến nay, người dân Cô Tô đã tin tưởng, chọn lựa và sử dụng hàng Việt cho hầu hết nhu cầu sử dụng của họ. |
Với hơn 40 gian hàng của hơn 20 DN thuộc các ngành nghề như sản xuất hàng tiêu dùng, đồ gỗ, thực phẩm… ngay trong ngày khai mạc, phiên chợ đã thu hút trên 2.000 lượt người đến thăm quan, mua sắm. Bà Đặng Thị Huệ - thị trấn Cô Tô - cho hay, đây là lần đầu tiên bà con được đón phiên chợ hàng Việt về hải đảo. Điều khiến phiên chợ hấp dẫn là bên cạnh cơ hội mua sắm hàng hóa có chất lượng với giá cả phải chăng, người dân còn được tiếp cận với những sản phẩm trên đảo hiếm khi có như đặc sản bánh kẹo ba miền, đặc sản của các địa phương lân cận…
Không giấu được sự thích thú, em Kim Thị Hồng Gấm - thị trấn Cô Tô hy vọng: “Ở Cô Tô cũng có chợ nhưng hàng hóa không nhiều như ở phiên chợ này. Em chỉ mong sắp tới, phiên chợ được tổ chức nhiều hơn để em vừa được đi chơi, vừa được mua sắm nhiều đồ đẹp. Lần sau, các anh chị lại đến nữa nhé!”.
Đưa hàng về nông thôn, hải đảo, ngoài lợi ích cho người dân còn là cơ hội cho các DN. Ông Nguyễn Văn Hồng - Trưởng phòng kinh doanh Công ty CP Bia Rượu Nước giải khát Quảng Ninh - chia sẻ: “Các phiên chợ như thế này, ngoài việc giúp DN bán được hàng, còn là dịp để khảo sát thị trường, xây dựng đại lý. Trước đây, khi tham gia phiên chợ đưa hàng Việt về huyện đảo Vân Đồn, công ty đã mở được 3 điểm đại lý. Sau phiên chợ về Cô Tô, chúng tôi hy vọng sẽ mở thêm được một số đại lý nữa”.
Ông Đào Văn Vũ cho hay: “UBND huyện Cô Tô đang xây dựng một khu trung tâm thương mại để phục vụ tốt nhất cho nhu cầu mua sắm của người dân, du khách, cũng như hỗ trợ DN Việt có được điểm bán hàng cố định. Với tổng vốn đầu tư lên đến trên 30 tỷ đồng, trung tâm dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2016”.
Rời Cô Tô sau 1 tuần phiên chợ, chuyến tàu ngày trở về mang theo cả sự kỳ vọng về những phiên chợ lớn hơn và ước mơ hàng Việt sẽ bám rễ sâu hơn nơi huyện đảo bé nhỏ. Cô Tô đã lặng sóng…