Hé lộ thời điểm hòa bình có thể trở lại ở châu Âu
Nhận định trên của Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto nói trên chương trình Chủ nhật của đài phát thanh Kossuth.
Theo ông, có nhiều lý do chính đáng để tin rằng hòa bình có thể trở lại châu Âu vào năm 2025.
“Kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã tạo ra thực tế chính trị hoàn toàn mới, tình hình chính trị mới. Ông Trump sẽ thực hiện cách tiếp cận hoàn toàn trái ngược với các sự kiện ở Ukraine, nhằm mục đích thiết lập hòa bình”, Ngoại trưởng Szijjarto nói.
Chiến sự Nga-Ukraine tiếp tục nóng. Ảnh: RIA |
Bộ trưởng Ngoại giao Hungary tin rằng, theo chân Mỹ, EU sẽ buộc phải thay đổi cách tiếp cận của mình. “Điều này sẽ đòi hỏi châu Âu phải thay đổi chiến lược hoàn toàn”, Bộ trưởng Szijjarto nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary bày tỏ hy vọng, các cuộc tranh luận tiếp theo ở EU sẽ cho phép tất cả các thành viên trong cộng đồng nhận ra sự cần thiết phải thay đổi chiến lược đối với Ukraine.
Ông cũng lưu ý, chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử ở Mỹ mang lại những thực tế mới không chỉ cho nền chính trị thế giới mà còn cho đời sống của Hungary, vì thời kỳ hòa bình mở ra cơ hội tăng trưởng kinh tế.
Theo cựu đô đốc Mỹ James G. Stavridis, người từng giữ chức Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang NATO tại châu Âu, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể buộc Ukraine từ bỏ một phần lãnh thổ để đổi lấy hòa bình với Nga.
“Tôi nghĩ ông Trump sẽ gây áp lực lên cả hai bên để ngồi vào bàn đàm phán”, ông Stavridis nói.
Theo ông, trong trường hợp này, Nga sẽ giữ các vùng lãnh thổ mà Moscow đã kiểm soát ở Ukraine. Khi đó, con đường tự do gia nhập NATO của Ukraine sẽ được mở ra và Ukraine sẽ được NATO chấp thuận trong vòng 3-5 năm.
“Đó không phải là kết quả tồi tệ nhất trên thế giới và tôi nghĩ đó có thể là cách mọi chuyện kết thúc”, cựu Tư lệnh NATO nói thêm.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã nói ông sẽ tìm ra giải pháp chấm dứt chiến sự trong vòng 24 giờ, nhưng không giải thích cách thức thực hiện. Ông cũng không loại trừ khả năng Ukraine có thể phải mất lãnh thổ.
“Tôi sẽ nói với ông Zelensky: Không còn cách nào khác. Anh phải đạt được một thỏa thuận. Và tôi sẽ nói với ông Putin: Nếu không đạt được thỏa thuận, chúng tôi sẽ viện trợ nhiều hơn nữa cho Ukraine”, ông Trump nói.
Trong khi đó, Tổng thống Zelensky cùng các quan chức Ukraine đã kịch liệt phản đối bất kỳ kế hoạch ngừng bắn nào dẫn đến việc hợp pháp hóa các lợi ích lãnh thổ mà Nga đạt được trên chiến trường.