Quảng Nam: Ngành quế tận dụng các FTA thế hệ mới Bàn chiến lược xuất khẩu quế "đường dài" ở các thị trường FTA Sắp diễn ra Tọa đàm 'Xây dựng hệ sinh thái cho ngành quế - những vấn đề cần lưu ý' |
Hiện nay, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và là quốc gia duy nhất ký kết FTA với tất cả các đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Anh, Nga...
Các ngành hàng trong nước đang nhận được những hậu thuẫn rất lớn từ tiến trình hội nhập và ngành quế Việt Nam đang sở hữu những lợi thế lớn để có thể vươn lên chiếm lĩnh thị trường quốc tế. Hiện, trên thế giới, chỉ có 5 quốc gia trồng được quế, trong đó Việt Nam đứng thứ 3 về sản lượng.
Từ thực tế trên, Vuasanca đã có buổi trao đổi với bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam, nhằm tìm ra giải pháp tốt nhất để giúp ngành quế Việt Nam tận dụng tốt hơn ưu đãi từ các FTA cũng như hiện thực hóa các giải pháp để ngành quế xây dựng tốt hơn hệ sinh thái, đẩy mạnh xuất khẩu.
Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam. Ảnh: Cấn Dũng |
Các ngành hàng trong nước đang nhận được những hậu thuẫn rất lớn từ tiến trình hội nhập và ngành quế Việt Nam đang sở hữu những lợi thế lớn để có thể vươn lên chiếm lĩnh thị trường quốc tế. Vậy, xin bà cho biết, tình hình xuất khẩu mặt hàng quế trong 8 tháng năm 2024? Đâu là những thị trường xuất khẩu chính của sản phẩm này và tình hình xuất khẩu sang các thị trường FTA chính của Việt Nam như CPTPP, EVFTA, UKVFTA… như thế nào?
6 tháng đầu năm, chúng ta đã xuất khẩu khoảng 62.000 tấn quế, đạt kim ngạch hơn 177 triệu USD. Sản lượng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, nhưng giá trị lại giảm do quan hệ cung cầu trên thị trường.
Xuất khẩu ngành quế hiện tập trung chủ yếu ở châu Á, đặc biệt là Ấn Độ, với khoảng 60% tổng sản lượng quế xuất khẩu; thứ hai là châu Mỹ với thị trường chính là Hoa Kỳ chiếm khoảng 20% tổng sản lượng xuất khẩu; thứ ba là châu Âu với khoảng 10% và châu Phi gần 40%.
Về việc thực thi, tận dụng những ưu đãi từ các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới mang lại, năm 2024 chúng ta ghi nhận sự đột phá trong khẩu thị trường nhờ vào lợi thế từ các hiệp định FTA và nỗ lực của doanh nghiệp và người tiêu dùng thế giới ngày càng biết nhiều hơn đến hàng Việt Nam. 8 tháng năm 2024, xuất khẩu quế sang thị trường châu Âu tăng trưởng khoảng 45%, thị trường UK tăng 105%, thị trường Canada tăng hơn 25%, thị trường Mexico tăng khoảng hơn 70%... Đây là những động lực rất lớn, những con số trên đã là minh chứng rõ nhất về tình hình tận dụng ưu đãi từ các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong 8 tháng qua, thị trường xuất khẩu quế đã có sự dịch chuyển rất lớn. Xuất khẩu quế sang thị trường Trung Quốc giảm đến 22%; mặt hàng hồ tiêu giảm đến 80% so với nhu cầu trao đổi song phương giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc. Sự thay đổi này liên quan đến đặc thù của hai nền kinh tế tại từng thời điểm, nhưng vẫn cho thấy sự tăng trưởng tích cực từ thị trường xuất khẩu, và nhất là các thị trường mà Việt Nam có FTA.
Từ góc độ Hiệp hội, bà nhận định thế nào về ý tưởng xây dựng Hệ sinh thái tận dụng FTA và mô hình hệ sinh thái tận dụng FTA cho ngành quế?
Dưới góc nhìn của Hiệp hội, việc xây dựng một hệ sinh thái vô cùng quan trọng, vì nó không chỉ là diễn đàn liên kết các tác nhân trong chuỗi cung ứng mà còn giúp tăng giá trị sản phẩm. Hệ sinh thái này sẽ giúp gắn kết các cam kết của nhà nước trong thương mại quốc tế với thực tế và doanh nghiệp; trong đó, doanh nghiệp là người thực thi, biến các cam kết đó thành hiệu quả thực tế thông qua giá trị xuất khẩu tăng trưởng như thế nào, thâm nhập các thị trường nào...
Việc xây dựng hệ sinh thái phải dựa trên tư duy thực tế, cung cấp thông tin, tạo động lực cho sản xuất và mang lại lợi ích dù to hay nhỏ cho người nông dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý trung ương, địa phương... Hệ sinh thái phải là mô hình mà tất cả chủ thể tham gia đều có lợi. Và người dân, doanh nghiệp chỉ tham gia khi thấy lợi ích rõ ràng. Khi thấy lợi ích, giá trị từ hệ sinh thái, tự thân người dân, doanh nghiệp sẽ chủ động tham gia, từ đó, xây dựng thị trường bền vững, kết nối chặt chẽ giữa các chủ thể ở khối công (quan hệ cơ quan quản lý, nhà nước) và tư (doanh nghiệp và người dân).
Khi tham gia vào hệ sinh thái, người dân sẽ sản xuất ra những sản phẩm thị trường xuất khẩu cần, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường như: không nhiễm chì, không nhiễm kim loại nặng... Nếu người nông dân sản xuất, canh tác theo hướng hữu cơ thì sẽ tăng thêm giá trị cho sản phẩm. Khi xây dựng mô hình này, kiến nghị Bộ Công Thương cần thực hiện các thử nghiệm và có cơ chế chính sách khuyến khích để thu hút doanh nghiệp, người dân tham gia. Cần có những doanh nghiệp đi đầu làm gương, giúp lan tỏa mô hình này đến nhiều doanh nghiệp khác, từ đó góp phần vào thành công của chính sách và hệ sinh thái mà Bộ Công Thương đang xây dựng.
Xây dựng Hệ sinh thái tận dụng các FTA sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa lợi ích FTA; xây dựng văn hóa kết nối, hợp tác giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Ở góc độ Hiệp hội, theo bà, doanh nghiệp xuất khẩu cần làm gì để tham gia và tận dụng được hết những lợi ích từ hệ sinh thái, từ đó tận dụng được những ưu đãi từ các FTA?
Về phía doanh nghiệp, trước hết, cần hiểu rõ thị trường và các cam kết của FTA, trong đó bao gồm những quy định về thuế, chất lượng trong EVFTA, UKVFTA... để thâm nhập vào thị trường.
Khi đã hiểu về thị trường, chúng ta sẽ quay trở lại vùng nguyên liệu, làm thế nào để tổ chức sản xuất khoa học, bài bản đúng với yêu cầu của thị trường nhập khẩu... Làm được điều đó, Hiệp hội sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường, mở rộng, xây dựng kết nối chặt chẽ hơn nữa giữa doanh nghiệp - người sản xuất, hay còn gọi là liên kết sản xuất.
Tiếp đó, xây dựng thương hiệu, tạo uy tín trên thị trường thế giới thông qua các chứng nhận, tiêu chuẩn quốc tế. Do vậy, trong khuôn khổ hệ sinh thái các FTA, chúng ta sẽ có thêm những nguồn lợi về tài chính, kỹ thuật, cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư chế biến sâu hơn, hành lang logistics...
Trong bất kỳ hệ sinh thái và thị trường nào, vai trò của doanh nghiệp hết sức quan trọng. Doanh nghiệp là trung tâm trong mọi hệ sinh thái và thị trường. Họ cần có sự đồng hành từ người dân để phát triển bền vững. Việc kêu gọi doanh nghiệp tham gia hệ sinh thái cần có sự hỗ trợ thực tế để xây dựng mô hình liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước và doanh nghiệp, hướng đến phát triển ngành hàng bền vững và thân thiện với môi trường, từ đó củng cố chuỗi giá trị và chuỗi cung cấp.
Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam có những khuyến nghị gì đến doanh nghiêp sản xuất, xuất khẩu quế? Những đề xuất, kiến nghị đến các Bộ, ngành trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tham gia xây dựng hệ sinh thái là gì, thưa bà?
Tôi mong chính quyền các địa phương chú trọng xây dựng hệ thống thông tin và số liệu thống kê cập nhật. Đồng thời, cần hỗ trợ bà con tổ chức sản xuất một cách hệ thống hơn, thông qua việc hình thành các tổ công tác hay hợp tác xã. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp và nhà xuất khẩu kết nối nhanh chóng, từ đó thúc đẩy sản xuất.
Vấn đề ô nhiễm kim loại nặng tại các vùng trọng điểm về sản lượng và chất lượng quế đang là nỗi lo lớn cho doanh nghiệp. Tôi cảnh báo rằng, điều này có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ trong tương lai. Doanh nghiệp cần thận trọng và tìm giải pháp giữ vững thị trường, nhất là trong bối cảnh thị phần tại Hoa Kỳ mặc dù nhỏ nhưng rất quan trọng.
Chúng tôi đã báo cáo với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét vấn đề ô nhiễm, có thể do đất nhiễm bẩn. Cần sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước để quy hoạch ngành lâu dài và đảm bảo chất lượng. Trong ngắn hạn, doanh nghiệp cần điều chỉnh sản phẩm xuất khẩu, tập trung vào những loại dễ kiểm soát ô nhiễm.
Chúng tôi hy vọng có sự hợp tác từ Bộ Công Thương trong việc phát triển nông nghiệp xanh và bền vững, hỗ trợ sự phát triển cây quế, góp phần vào mục tiêu giảm phát thải và bảo vệ môi trường. Đây là tâm tư của tôi và toàn bộ doanh nghiệp trong ngành.