Hệ thống bán lẻ hiện đại Hà Nội hướng tới bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng
Hệ thống bán lẻ hiện đại Hà Nội đang hướng tới bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng(Ảnh minh họa:Internet)
- Cùng với sự phát triển của nền kinh tế nước ta, hệ thống bán lẻ nói chung đã có bước phát triển đáng khích lệ, nhất là tại các thành phố lớn. Sự hình thành và phát triển của hệ thống bán lẻ luôn có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo dựng kênh phân phối hiệu quả cho nền kinh tế, xây dựng văn minh thương mại hiện đại và góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, việc hình thành và phát triển của hệ thống bán lẻ ở Việt Nam thời gian qua còn chưa thực sự có tính bền vững. Tình trạng khách hàng “tố” mua phải hàng kém chất lượng được niêm yết tại một số siêu thị cũng như chưa hài lòng về chính sách chăm sóc khách hàng đang được các siêu thị áp dụng đã xuất hiện. Như vậy, siêu thị nói riêng và hệ thống bán lẻ nói chung chưa thực sự trở thành phương thức bán hàng đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Đặc biệt, hoạt động quản lý chất lượng, khuyến mại, quảng cáo tại các siêu thị diễn ra rầm rộ, tuy nhiên việc quản lý các hoạt động này còn là một vấn đề tồn tại nhiều bất cập.
Như vậy, cần phải nhìn nhận rằng, tăng cường hoạt động bảo vệ người tiêu dùng là vấn đề cấp thiết hiện nay và hệ thống bán lẻ hiện đại, trong đó tiêu biểu là các siêu thị, có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy công tác bảo vệ người tiêu dùng. Bảo vệ người tiêu dùng là tiền đề cơ bản để doanh nghiệp siêu thị và các doanh nghiệp bán lẻ mở rộng và phát triển. Ngược lại, các doanh nghiệp lại có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy công tác bảo vệ người tiêu dùng do đây là hình thức kinh doanh hiện đại, thể hiện văn minh thương mại, đồng thời các siêu thị thu hút ngày càng đông đảo người tiêu dùng. Không những thế, việc thực hiện tốt công tác bảo vệ người tiêu dùng tại các siêu thị sẽ là bước quan trọng trong việc đưa Luật Bảo vệ người tiêu dùng vào cuộc sống, mặt khác đây cũng sẽ là điểm mấu chốt thể hiện sự ưu việt, văn minh của hình thức bán lẻ siêu thị so với các hình thức bán lẻ truyền thống khác.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội thảo, cho rằng đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực vào ngày 1/7/2011 và hưởng ứng các chủ trương của Đảng và Chính phủ như chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và chủ trương bình ổn giá.
|
Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh phát biểu khai mạc Hội thảo |
Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Thành – Phó trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng – Cục Quản lý cạnh tranh đã giới thiệu một số điểm mới trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 01/7/2011. Theo đó, Luật sẽ có 15 điểm mới như: bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng, trách nhiệm bảo hành, trách nhiệm thu hồi hàng hóa, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hoá có khuyết tật gây ra…, trong đó đáng chú ý là quy định về trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin.
Các đại biểu đã tập trung vào thảo luận các vấn đề về quản lý hoạt động siêu thị, công tác kiểm soát hàng hóa của các cơ quan chức năng; cơ chế quản lý đầu vào và đảm bảo chất lượng hàng hóa của các siêu thị và các ý kiến đánh giá của người tiêu dùng. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp kinh doanh siêu thị tại Hà Nội và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bán lẻ quảng bá hình ảnh; giới thiệu các chính sách bán hàng, phân phối sản phẩm và các dịch vụ liên quan khác để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
C.T