Hibeco Group là tên giao dịch của Công ty Cổ phần Tập đoàn Bia rượu nước giải khát Hưng Yên - Hà Nội, chủ sở hữu của loạt thương hiệu bia khu vực phía Bắc, bao gồm: bia Việt Á, bia hơi Dragon, Viabeco, bia lon Ocean, Staromost... Dù không được nhiều người ưa chuộng như các hãng bia "quốc dân" Habeco và Halida, song, việc khai thác thị trường ngách của Hibeco vẫn mang về những thành công nhất định. Trong đó, doanh nghiệp tập trung, chú trọng phát triển ở hai địa phương là Hải Dương và Hưng Yên.
Đối với người dân tỉnh, thành phố khác, thương hiệu Hibeco Group còn rất xa lạ, mới mẻ. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã có tuổi nghề trên 30 năm, thuộc diện "cây đa, cây đề" trong lĩnh vực sản xuất bia rượu, nước giải khát.
Trung tuần tháng 6/2024, Hibeco Group và Công ty Beckent - Bauer, một hãng bia non trẻ đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện (Ảnh: Hibeco.com.vn) |
Theo tìm hiểu của Vuasanca , Hibeco Group là pháp nhân chưa tròn 1 tuổi, được lập ngày 19/9/2023, trên cơ sở đơn vị kế tục sự nghiệp cho Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Quốc tế (viết tắt là Công ty Thực phẩm Quốc tế), có trụ sở tại thôn Yên Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Sự ra đời của Công ty Thực phẩm Quốc tế khởi nguồn từ một cơ sở sản xuất nhỏ ở thành phố Hải Dương hồi năm 1989, do bà Phạm Thị Tỵ là người sáng lập, trực tiếp chỉ đạo điều hành.
Bà Phạm Thị Tỵ xuất thân là cán bộ ngân hàng, và sau nhiều năm cống hiến cho ngành ngân hàng, bà nghỉ hưu ở độ tuổi 50. Khi ấy, bà mới bắt đầu có thời gian tập trung cho công việc kinh doanh riêng, vừa nhằm thỏa mãn niềm đam mê ấp ủ bấy lâu, vừa cải thiện năng lực kinh tế cho gia đình. Nhờ sự hỗ trợ và động viên của người đồng hương - ông Bùi Quang Hưng, bà Tỵ đã nhanh chóng mở rộng quy mô hoạt động, di dời "đại bản doanh" từ nơi cư trú trên đường Ngô Quyền, phường Thanh Bình (thành phố Hải Dương) sang Khu công nghiệp Phố Núi A (Hưng Yên) để đáp ứng yêu cầu phát triển mới.
Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Quốc tế theo đó được hình thành, đem tới cho thị trường những nhãn hiệu bia mới lạ như bia Việt Á, Dragon, Special... Số vốn điều lệ của họ hiện đạt 25 tỷ đồng.
Hơn 30 năm hoạt động, công sức của bà Phạm Thị Tỵ, có thể nói đã được đền đáp xứng đáng. Doanh nghiệp lớn mạnh, còn bà được khen ngợi là người phụ nữ "thép" trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh bia rượu và nước giải khát. Và, xuyên suốt hành trình biến giấc mơ "Mang đến những đồ uống chất lượng nhất cho người Việt" thành hiện thực, bà Tỵ luôn có cho mình sự sát cánh của 3 người con là ông Lưu Minh Dũng (SN 1963), ông Lưu Anh Tuấn (SN 1968) và bà Lưu Thị Cẩm Thúy (SN 1966).
Ông Lưu Anh Tuấn được bà Tỵ giao làm người đại diện theo pháp luật của Công ty Thực phẩm Quốc tế, ông Lưu Minh Dũng làm Giám đốc điều hành, bà Lưu Thị Cẩm Thúy thì phụ trách công việc thu - chi, dòng tiền ra vào trong cơ quan trên cương vị Kế toán trưởng. Phu quân của bà Lưu Thị Cẩm Thúy, ông Nguyễn Quốc Khánh (SN 1959) là người đứng tên sở hữu 10% cổ phần doanh nghiệp, 90% thuộc về ông Lưu Minh Dũng, tính đến trước tháng 7/2022.
Sau đó, cổ phần Công ty Thực phẩm Quốc tế được phân chia cho các thành viên khác trong gia đình, có phẩm chất, năng lực phù hợp, cũng góp sức trong sự phát triển chung như ông Lưu Thành Đạt (SN 1994, sở hữu 15%), ông Lưu Mạnh Toán (SN 1962, giữ 7%), bà Trần Thị Hoa (SN 1967, giữ 25%), ông Lưu Anh Tuấn giữ 33% và bà Lưu Thị Cẩm Thúy giữ 20%.
Khoản lỗ đáng suy ngẫm của Công ty Thực phẩm Quốc tế năm 2023 (Đồ thị: Hoa Đông) |
Có lẽ, như bao nhà sản xuất bia rượu khác, mục đích cuối cùng mà gia đình bà Phạm Thị Tỵ hướng tới là làm sao nâng tầm doanh nghiệp thành một thương hiệu vững mạnh, thâm nhập, phủ sóng trên khắp các thị trường lớn giàu tiềm năng và màu mỡ, thay vì co cụm trong thị trường ngách vốn chật chội và thiếu cơ hội. Habeco - "tượng đài" trong làng kinh doanh bia rượu nội địa, từng nắm thị phần lớn nhất phía Bắc vừa là đối thủ, nhưng cũng vừa là "thần tượng" của họ.
Điều này thể hiện khá rõ qua việc họ gần như xóa bỏ cái tên Công ty Thực phẩm Quốc tế đã sử dụng hơn 2 thập kỷ, và khoác lên mình thương hiệu Hibeco (hoặc Hubeco) từ năm 2023. Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động, năm 2020, Công ty Thực phẩm Quốc tế cũng nảy sinh một sự việc cho thấy họ rất quan tâm đến hãng bia "biểu tượng ngành bia Bắc Bộ" này.
Tình cờ, năm 2020 cũng là lúc "đại dịch" hoành hành gây khó khăn, thiệt hại lên hoạt động kinh doanh của Công ty Thực phẩm Quốc tế. Theo tài liệu của Vuasanca , doanh thu bán hàng của họ chao đảo trong cơn khủng hoảng này, giảm mạnh từ 40,7 tỷ đồng xuống 12,2 tỷ đồng, thấp hơn 70% so với cùng kỳ.
Sang năm 2021, khi doanh nghiệp thích nghi được với tình hình kinh doanh mới, doanh thu của Công ty Thực phẩm Quốc tế có bước cải thiện rõ rệt, tăng cao lên 30,8 tỷ đồng và duy trì ở mức 24,6 tỷ đồng năm 2022 và 26,5 tỷ đồng vào năm 2023. Giải bài toán tìm nguồn thu, nhưng khó khăn chưa được đẩy lùi, doanh nghiệp của bà Phạm Thị Tỵ tiếp tục đối diện với thử thách lớn, đó là khoản lỗ kỷ lục gần 34 tỷ đồng ghi nhận trong năm ngoái.