Mở cửa xả đáy Thủy điện Tuyên Quang Điện lực Tuyên Quang tăng cường các giải pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm Đồng loạt xả lũ 3 nhà máy thủy điện ở Tuyên Quang |
Công ty Thủy điện Tuyên Quang cho biết, do lượng nước về hồ đang rất lớn, thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa và đảm bảo an toàn công trình, 8 giờ sáng ngày 12/6, hồ thủy điện Tuyên Quang sẽ tiếp tục mở cửa xả đáy số 2. Như vậy, có hai cửa xả đáy được mở với tổng lưu lượng xả trên 3.000 m3/s.
Lúc 16 giờ ngày 11/6, mực nước thượng lưu hồ thủy điện Tuyên Quang là 118,68m, mực nước hạ lưu là 52,28m; lưu lượng nước vào hồ là 2.085 m3/s, lưu lượng nước ra khỏi hồ là 1.229 m3/s. Nhà máy đang phát điện tối đa 3 tổ máy và mở 1 cửa xả đáy. Tuy nhiên, theo bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, trong 5 ngày tới (từ 12 -16/6) sẽ gia tăng lượng mưa, có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to. Lưu lượng có thể tăng 1.340 m3/s. Để đảm bảo an toàn hồ đập công trình hồ thủy điện Tuyên Quang tiếp tục mở cửa xả đáy, lưu lượng xả khoảng 1.830 m3/s.
Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang yêu cầu các huyện, thành phố khẩn trương thông báo đến các địa phương, nhà thầu đang thi công dưới hạ lưu công trình di chuyển tài sản, máy móc thiết bị đến nơi an toàn; chủ chăn nuôi thủy sản di chuyển lồng bè vào vị trí an toàn; người dân chủ động các biện pháp ứng phó khi nước lũ trên sông dâng cao.
Trong ngày 11/6, UBND tỉnh Tuyên Quang đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố cần tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mưa lũ, thông tin cảnh báo kịp thời đến người dân để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, tránh có hiệu quả; có phương án khẩn trương kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, tổ chức di dời ngay đối với những hộ dân đang sinh sống tại nơi có nguy cơ cao đến nơi an toàn.
Các địa phương bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận và xử lý kịp thời mọi tình huống có thể xảy ra, chủ động khắc phục kịp thời hậu quả mưa lũ, đảm bảo giao thông trên các trục chính và an toàn đối với các khu khai thác khoáng sản, công trình đang thi công, sẵn sàng phương án bố trí lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để tổ chức ứng cứu kịp thời khi có yêu cầu.
Các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương phối hợp với các địa phương, các công ty có công trình thủy điện trên địa bàn triển khai công tác bảo đảm an toàn công trình thủy điện, vận hành xả lũ theo đúng quy trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không để xảy ra lũ nhân tạo, lũ quét do ảnh hưởng của hồ đập.
Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh có phương án bố trí sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để tổ chức ứng cứu kịp thời khi có yêu cầu; tổ chức theo dõi chặt chẽ, thường xuyên cập nhật thông tin về mưa lũ và việc xả lũ của hồ thủy điện Tuyên Quang, thủy điện sông Lô 8A, sông Lô 8B để chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn kịp thời các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tổng hợp báo cáo UBND tỉnh Tuyên Quang về tình hình thiên tai nhằm kịp thời chỉ đạo giải quyết các tình huống có thể xảy ra.