Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh phát biểu tại hội thảo |
Nhiều lợi ích
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, bên cạnh việc thanh toán dịch vụ công theo các phương thức truyền thống bằng chứng từ giấy, còn có nhiều phương thức thanh toán mới, hiện đại dễ sử dụng như dịch vụ trích nợ tự động, thanh toán thẻ, giao dịch ATM…
Theo đó, ngày 23/2/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 241/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng (Đề án 241) đối với các dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội với mục tiêu đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội qua ngân hàng góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của nền kinh tế và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho hay, hiện có 50 ngân hàng đã thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với ngành thuế, hải quan trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và 768 quận, huyện trên cả nước. Bên cạnh đó, cũng có 26 ngân hàng thỏa thuận với các công ty điện lực cung ứng dịch vụ thu hộ tiền điện trên phạm vi toàn quốc và triển khai phối hợp thu tiền nước tại hơn 20 tỉnh thành phố; 11 ngân hàng triển khai phối hợp thu tiền học phí, đa số được triển khai tại các trường đại học. Ngoài ra, có 6 ngân hàng phối hợp triển khai dịch vụ thu hộ viện phí các bệnh viện lớn như: Bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy và 5 ngân hàng phối hợp chi trả lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội.
Chia sẻ về tiện ích thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng cho biết, tỷ lệ doanh thu tiền điện qua ngân hàng, tổ chức trung gian tăng mạnh từ 64,35% trong năm 2015 lên 83,57% năm 2017. “Tỷ lệ thu tiền điện tại quầy Điện lực và thu qua các dịch vụ bán lẻ giảm mạnh. EVN đặt mục tiêu giảm dần, tiến đến chấm dứt hình thức thu tiền điện tại nhà, đẩy mạnh hình thức thanh toán trực tuyến", ông Nguyễn Quốc Dũng khẳng định.
Thêm vào đó, việc thanh toán dịch vụ qua ngân hàng giúp tăng sự lưu chuyển tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế thông qua việc rút ngắn thời gian luân chuyển vốn qua các hệ thống thanh toán. Đồng thời, giảm thời gian vốn trôi nổi, thúc đẩy chu chuyển vốn. Qua đó, góp phần tăng hiệu suất sử dụng vốn cải thiện tính hiệu quả, tăng thêm sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tiến tới đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng
Đề án 241 xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 80% giao dịch nộp thuế tại các thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh thực hiện qua ngân hàng; 70% số tiền điện tại địa bàn thành phố, quận, thị xã thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được thanh toán qua ngân hàng; 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn thực hiện thanh toán tiền nước qua ngân hàng; 80% số sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng nộp học phí qua ngân hàng; 50% bệnh viện tại các thành phố lớn chấp nhận thanh toán viện phí qua ngân hàng và 20% số tiền chi trả an sinh xã hội được thực hiện qua ngân hàng.
Thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam vẫn còn hạn chế |
Tuy nhiên, theo ông Phạm Tiến Dũng việc thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công vẫn chưa phát triển như kỳ vọng, hiện giao dịch thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng chưa nhiều, đặc biệt là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Việc kết nối giữa ngân hàng với các tổ chức cung ứng dịch vụ công vẫn còn có những khó khăn, tốc độ triển khai chậm. Khả năng trao đổi, chia sẻ thông tin, truy xuất dữ liệu liên quan đến các khoản thanh toán phí dịch vụ công còn hạn chế.
Bên cạnh đó, việc sử dụng thẻ gặp khó khăn đối với đối tượng già, yếu, cao tuổi. Số lượng máy ATM chưa nhiều, đặc biệt các vùng sâu, vùng xa. Việc quản lý người hưởng gặp khó khăn, như không nắm được đầy đủ thông tin người hưởng, thu hồi số tiền chi trả rất khó khăn....
Bàn về vấn đề này, ông Phạm Tiến Dũng cho rằng, sở dĩ có những hạn chế trên là do cơ chế chính sách và hạ tầng cung ứng dịch vụ thanh toán của ngân hàng chưa phù hợp và đảm bảo. Hạ tầng công nghệ thông tin, thanh toán ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa tốt. Ngoài ra, do tâm lý ngại thay đổi phương thức thanh toán của một bộ phận khách hàng và thói quen dùng tiền mặt của người dân.
Để đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho rằng, cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức phong phú. Cùng đó là đa dạng, phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn. Điều này nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, dịch vụ thanh toán trong nền kinh tế, thúc đẩy các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng kiến nghị, phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách về thanh toán qua ngân hàng tiếp tục thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh an toàn trong thanh toán. Đồng thời, mở rộng hợp tác giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ công với các ngân hàng, tổ chức cung ứng giải pháp thanh toán; đẩy nhanh khả năng kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu giữa đơn vị cung ứng dịch vụ công với ngân hàng.