Hòa mình vào Hội Mùa vàng để khám phá vẻ đẹp hoang sơ và văn hóa độc đáo vùng Đông Bắc
Mỗi năm, vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11, lúa trên những thửa ruộng bậc thang các triền núi Đông Bắc bắt đầu chín vàng rực rỡ, cũng là lúc người dân nơi đây tổ chức Hội Mùa vàng – một lễ hội truyền thống nhằm tôn vinh vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa của các dân tộc vùng cao.
Tại Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh), huyện miền núi nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, Hội Mùa vàng năm 2024 đã được tổ chức với quy mô lớn và chuỗi hoạt động phong phú, thời gian kéo dài và không gian rộng mở hơn so với những năm trước. Lễ hội bắt đầu bằng chương trình khai mạc của Tuần Văn hóa Du lịch huyện Bình Liêu, tạo dấu ấn mạnh mẽ với các hoạt động văn hóa đa dạng. Buổi khai mạc bao gồm một chương trình nghệ thuật đặc sắc với sự tham gia của gần 200 diễn viên chuyên nghiệp và nghệ nhân dân gian. Các tiết mục nghệ thuật giới thiệu đến khán giả những giá trị văn hóa truyền thống, các sản phẩm du lịch địa phương, những nét độc đáo trong ẩm thực, cùng các hoạt động lễ hội văn hóa và thể thao của đồng bào các dân tộc.
Mặc dù thời gian luyện tập gấp rút, nhưng tinh thần của các nghệ sĩ, diễn viên và nghệ nhân dân gian rất cao. Nghệ nhân ưu tú Hoàng Thị Viên, dân tộc Tày ở khu Nà Làng, thị trấn Bình Liêu, chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất vui và tự hào khi được tham gia biểu diễn trong chương trình. Trước đó, tôi và các diễn viên đã cố gắng thu xếp công việc gia đình để dành thời gian tập luyện, mong mang đến cho khán giả những tiết mục hay và ý nghĩa nhất”.
Hội Mùa vàng Đông Bắc mang nhiều ý nghĩa truyền thống, trong đó, có việc tái hiện lễ cầu mùa của người Sán Chỉ. Ảnh: quangninh.gov.vn |
Sau buổi khai mạc, Hội Mùa vàng tiếp tục diễn ra với nhiều hoạt động đặc sắc kéo dài trong suốt tháng 10 và 11. Các hoạt động nổi bật bao gồm: trải nghiệm “Lễ mừng cơm mới”, tái hiện màn lễ rước sắc phong trong Lễ hội đình Lục Nà, giải bóng đá nữ các dân tộc tỉnh Quảng Ninh, hội thi thể thao dành cho các dân tộc thiểu số, giải leo núi chinh phục “Sống lưng khủng long” - một địa danh nổi tiếng tại Bình Liêu. Đặc biệt, festival dù lượn “Bay trên mùa vàng” mang đến cho du khách trải nghiệm ngắm nhìn những cánh đồng lúa vàng óng từ trên cao, một góc nhìn mới đầy hứng khởi và thu hút.
Cùng với đó, du khách còn có cơ hội thưởng thức các màn trình diễn văn hóa đặc sắc như hát Then đàn tính của người Tày, hát Sán cố của người Dao Thanh Phán, giúp người tham dự thêm hiểu và trân trọng văn hóa bản địa. Mùa lúa chín là thời điểm đẹp nhất trong năm, khi sắc vàng của ruộng bậc thang không chỉ tạo nên một cảnh quan quyến rũ mà còn là tín hiệu báo mùa vụ bội thu, báo hiệu sự no ấm cho người dân. Bên cạnh đó, tiết trời mùa thu ở Bình Liêu vào thời gian này se lạnh, mát mẻ vào ban ngày và đêm, mang lại sự dễ chịu cho du khách đến trải nghiệm và tham gia các hoạt động ngoài trời.
Hội Mùa vàng không chỉ là dịp để quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên của Bình Liêu, mà còn là một chiến lược kích cầu du lịch hiệu quả, thu hút du khách trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Hà Hải, Giám đốc Công ty CP Du lịch và Dịch vụ Hòn Gai, nhận định: “Du khách ngày càng ưa chuộng những điểm đến có sự kết hợp giữa vẻ đẹp tự nhiên và bản sắc văn hóa độc đáo. Những năm gần đây, chương trình Hội Mùa vàng ngày càng được đầu tư bài bản hơn, trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc của Bình Liêu, tạo ra tiềm năng kinh tế lớn cho địa phương”.
So với Bình Liêu, Hội Mùa vàng tại Tiên Yên tuy có quy mô nhỏ hơn nhưng cũng không kém phần hấp dẫn. Lễ hội này chủ yếu được tổ chức tại xã Đại Dực, nơi tập trung đông đồng bào dân tộc Sán Chỉ. Đến với Đại Dực, du khách sẽ có cơ hội ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang vàng óng, hòa mình vào không gian văn hóa dân tộc thông qua các hoạt động như thưởng thức điệu Soóng cọ đặc trưng, tái hiện các nghi lễ truyền thống như “Lễ cầu mùa” và trải nghiệm các hoạt động thể thao dân tộc.
Màn hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ trong chương trình khai mạc Hội Mùa vàng của huyện Tiên Yên tại xã Đại Dực. Ảnh: quangninh.gov.vn |
Bên cạnh đó, du khách còn được tham gia các hoạt động du lịch cộng đồng, khám phá các nhà gạch đất - nét kiến trúc độc đáo của người dân địa phương. Các màn biểu diễn múa Tắc Xình của người Sán Chay, bao gồm hai nhóm Sán Chỉ và Cao Lan, cũng là điểm nhấn đáng chú ý, mang đến cho người xem trải nghiệm sống động về văn hóa vùng cao.
Hội Mùa vàng ở cả Bình Liêu và Tiên Yên đều có sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và đương đại. Lễ hội không chỉ là dịp để tôn vinh thiên nhiên tươi đẹp mà còn truyền tải những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc thiểu số. Hội Mùa vàng thể hiện niềm tự hào về phong cảnh quê hương, ngợi ca tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của người dân vùng cao. Đồng thời, lễ hội còn giúp giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống dân tộc, khơi dậy tình yêu quê hương và tinh thần đoàn kết trong cộng đồng.
Không dừng lại ở giá trị văn hóa, chuỗi sự kiện Hội Mùa vàng còn tạo điều kiện phát triển tiềm năng du lịch, đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương và nâng cao đời sống người dân. Với những nét đặc sắc về cảnh quan và văn hóa, Hội Mùa vàng ngày càng trở thành sự kiện nổi bật, thu hút lượng lớn du khách đến tham quan và trải nghiệm, qua đó khẳng định Bình Liêu và Tiên Yên là những điểm đến lý tưởng cho các hoạt động du lịch văn hóa và sinh thái tại vùng Đông Bắc Việt Nam.