CôngThương - Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện theo luật định trên, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn tồn tại những bất cập trong quản lý nhà nước và trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của thương nhân.
Nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cụ thể nghiên cứu để đề xuất sửa đổi Nghị định 72, Vụ Kế hoạch và Vụ Pháp chế Bộ Công Thương – cơ quan chủ trì xây dựng Nghị định 72/2006/NĐ-CP với sự tài trợ của Dự án EU – Việt Nam MUTRAP III đã tiến hành một nghiên cứu đánh giá việc thực thi Nghị định 72 và nghiên cứu so sánh kinh nghiệm quốc tế nhằm tìm ra các giải pháp hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh hoạt động của thương nhân.
Theo số liệu thống kê của các sở Công Thương, hiện ở TP.HCM có 2.378 và ở Hà Nội có 1.495 VPĐD, CN thương nhân nước ngoài tại Việt Nam. Mặc dù VPĐD chỉ hoạt động trong phạm vi xúc tiến thương mại, đầu tư và CN chỉ được hoạt động kinh doanh theo quy định trong giấy phép nhưng đã có nhiều đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế của đất nước.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu và gia công thông qua VPĐD năm 2010 chiếm 17,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước là 71,6 tỷ USD. Ngoài ra, VPĐD, chi nhánh của thương nhân nước ngoài còn góp phần giải quyết, đào tạo lao động có tay nghề cao( TP.HCM đã giải quyết được 10.600 lao động), chuyển giao công nghệ về quản lý, đóng góp cho ngân sách thông qua việc nộp thuế thu nhập cá nhân (năm 2010, TP.HCM nộp 851,9 tỷ đồng).
Chính sự phát triển mạnh mẽ của VPĐD, CN thương nhân nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian qua cũng phần nào chỉ ra những hạn chế, bất cập đối với luật thương mại và nghị định số 72/NĐ-CP.
Ông Phạm Sỹ Chung – Hàm vụ trưởng, Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương cho biết, theo quy định của nghị định 72/NĐ-CP, VPĐD, chi nhánh thương nhân nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực thương mại đặc thù (ngân hàng, tài chính, dịch vụ pháp lý, văn hóa, giáo dục, du lịch hoặc các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật) được thực hiện theo quy định của pháp luật đó. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều loại hình hoạt động khác của thương nhân nước ngoài như dịch vụ y tế, xây dựng… chưa có quy định cụ thể trong bất kỳ một văn bản pháp luật nào, nên thương nhân nước ngoài không biết liên hệ với ai để xin cấp phép thành lập. Nên chăng, điều chỉnh nghị định 72/NĐ-CP theo hướng hoạt động thương mại, bao gồm cả mua bán hàng hóa và thương mại dịch vụ. Điều này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân nước ngoài xin thủ tục cấp phép thành lập mà còn tạo điều kiện cho việc quản lý sau cấp phép của các sở Công thương được thống nhất và hiệu quả.
Trong khi đó liên quan đến việc thành lập bộ máy quản lý của VPĐD, đại diện Coca cola tại Việt Nam cho biết, quy mô các VPĐD thường không bằng nhau, nhưng việc áp dụng không quá 5 người thì rất bất hợp lý. Trong khi Coca cola là tập đoàn đa quốc gia nên VPĐD rất cần nhiều người để hỗ trợ đối tác trong việc phát triển thương hiệu.
Không chỉ bất cập trong quy định pháp luật, bản thân các VPĐD, CN thương nhân nước ngoài khi được cấp phép hoạt động cũng cho thấy nhiều sai phạm, thậm chí có những VPĐD hoạt động gian lận, lừa đảo, kinh doanh thu lợi bất hợp pháp… Ông Phạm Sỹ Chung cho biết, tại TP.HCM, một VPĐD của Trung Quốc đăng ký lĩnh vực kinh doanh thiết bị nội thất nhưng lại hoạt động tư vấn dịch vụ khám chữa bệnh. Có nhiều trường hợp VPĐD hoạt động không phép hoặc giấy phép đã hết hiệu lực nhưng không xin gia hạn, hoạt động kinh doanh sinh lời trái phép, tuyển dụng và sử dụng lao động không tuân thu theo các quy định của nhà nước.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Trưởng phòng, phòng thị trường và thương nhân nước ngoài, Sở Công Thương TP.HCM cho biết, trong 145 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại thì phần lớn các VPĐD vi phạm trong việc không nộp báo cáo hoạt động thường kỳ và số tiền phạt lên đến 2,15 tỷ đồng.
Khắc phục những bất cập còn tồn tại nhằm giúp VPĐD, chi nhánh thương nhân nước ngoài hoạt động có hiệu quả đang được đặt ra đối với các cơ quan chức năng, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.