Hội đồng Vàng Thế giới nhận định gì về triển vọng thị trường vàng?
Tại buổi họp báo trực tuyến chiều 15/11, ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực Châu Á -Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng Thế giới cho biết, trong quý III/2024, tổng nhu cầu vàng (bao gồm đầu tư của thị trường phi tập trung) đã tăng thêm 5% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1.313 tấn.
Ông Shaokai Fan, Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng Thế giới |
Điều này được thể hiện qua một loạt mức giá cao kỉ lục mới của vàng trong quý III/2024. Lần đầu tiên trong lịch sử, tổng nhu cầu về vàng tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái vượt hơn 100 tỷ USD.
Nhu cầu đầu tư vàng trên toàn cầu tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái lên 364 tấn.
Các quỹ giao dịch hoán đổi vàng (ETF) toàn cầu ghi nhận quý tăng trưởng tích cực đầu tiên kể từ quý I năm 2022, với 95 tấn vàng chảy vào. Các nhà đầu tư phương Tây dẫn đầu xu hướng này, nhưng tất cả các khu vực đều chứng kiến dòng vốn tích cực chảy vào, trái ngược với phần lớn sự sụt giảm trong nửa đầu năm 2024.
Tổng lượng mua ròng trong quý III của khối ngân hàng trung ương đạt 186 tấn, tốc độ mua chậm lại một phần do giá cao. Tuy nhiên, lượng vàng mua vào tính đến thời điểm hiện tại là 694 tấn, tương đương với cùng kỳ năm 2022.
Nhu cầu vàng miếng và vàng xu giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là do sự sụt giảm ở Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu. Sự sụt giảm ở những thị trường này được bù đắp một phần bởi hiệu suất mạnh mẽ ở Ấn Độ. Tổng nhu cầu tính đến thời điểm hiện tại vẫn duy trì vững chắc ở mức 859 tấn so với mức trung bình 10 năm qua là 774 tấn.
Tiêu thụ đồ trang sức toàn cầu giảm 12% xuống còn 459 tấn khi giá vàng đạt mức cao kỷ lục mới. Tuy nhiên, tổng giá trị nhu cầu tăng 13%.
Theo ông Shaokai Fan, căng thẳng địa chính trị toàn cầu, các lo ngại về tình hình chính trị và kinh tế trong nước cũng như kỳ vọng giá vàng tăng đã duy trì sự quan tâm của các nhà đầu tư ASEAN đối với vàng trong quý III.
Nhu cầu vàng miếng và vàng xu ở các nước ASEAN: Thái Lan, Indonesia và Malaysia đều ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số theo từng năm. "Việt Nam là một trường hợp ngoại lệ có mức giảm 33% theo quý và 10% theo năm về nhu cầu vàng miếng và vàng xu. Sự sụt giảm về nhu cầu vàng tại Việt Nam có thể là do giá vàng tăng mạnh làm hạn chế hoạt động mua mới" - ông Shaokai Fan nói.
Giá vàng đạt mức cao kỷ lục khiến nhu cầu về vàng trang sức giảm tại các thị trường ASEAN. Sự mất giá của đồng tiền tại Việt Nam đã góp phần làm cho giá vàng trên thị trường quốc tế tăng cao hơn và là lý do khiến nhu cầu vàng trang sức tại Việt Nam giảm 15% so với quý trước và giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hoạt động mua vào của khối ngân hàng trung ương chậm lại trong quý 3 mặc dù nhu cầu vẫn cao ở mức 186 tấn. Nhu cầu của khối ngân hàng trung ương tính đến thời điểm hiện tại đạt 694 tấn, tương đương với cùng kỳ năm 2022.
Các ngân hàng mua vào đáng chú ý trong quý III bao gồm: Ngân hàng Quốc gia Ba Lan (42 tấn); Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (13 tấn); Ngân hàng Trung ương Hungary (16 tấn)
Doanh số bán vàng khá im ắng so với quý 2, chỉ có 3 ngân hàng trung ương báo cáo mức giảm lượng vàng dự trữ từ 1 tấn trở lên.
Nhận định về triển vọng thị trường vàng, ông Shaokai Fan cho rằng, hoạt động mua vào của khối ngân hàng trung ương vẫn đang trên đà tăng trưởng mạnh trong năm nay khi giao dịch mua vàng trang sức giảm trong bối cảnh giá tăng cao. Đầu tư vào vàng miếng và vàng xu dự kiến sẽ vẫn duy trì ổn định khi nguồn cung tăng có sự thúc đẩy lớn từ các nhà sản xuất cho một năm kỷ lục.
Các yếu tố chính chi phối triển vọng thị trường vàng của quý IV/2024 và cả năm là: Việc cắt giảm lãi suất, đặc biệt là ở Hoa Kỳ và châu Âu, kết hợp với rủi ro địa chính trị, có khả năng sẽ thúc đẩy nhu cầu đầu tư vàng nhiều hơn nữa.
"Giá vàng cao có thể sẽ tiếp tục làm giảm nhu cầu đối với vàng trang sức, cần có sự ổn định về giá hoặc triển vọng kinh tế cải thiện đáng kể để thay đổi xu hướng này" - ông Shaokai Fan nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, bất ổn địa chính trị, xuất phát từ sự leo thang căng thẳng ở Trung Đông và cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ có sự phân cực cao, đang thu hút sự quan tâm đến đầu tư tăng lên và hoạt động tái chế thấp hơn dự báo.