Hội nghị Công Thương khu vực phía Bắc năm 2019: Giải đáp nhiều vấn đề nóng
Tin hoạt động 24/05/2019 14:00
Dấu hiệu chững lại
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An chỉ ra, ngành Công Thương khu vực đang có những dấu hiệu bất thường khi giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) có dấu hiệu chững lại. Nếu như năm 2018, giá trị SXCN của vùng đạt cao nhất so với các khu vực trên cả nước thì mức tăng của những tháng đầu năm 2019 thấp.“Dấu hiệu này là cảnh báo khó khăn trong việc hoàn thành kế hoạch sản xuất công nghiệp, thương mại của vùng trong năm 2019. Nếu không tìm ra giải pháp hữu hiệu và sớm triển khai sẽ không chỉ kéo thấp mức tăng trưởng của vùng mà còn ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng của cả nước”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cùng địa diện cơ quan liên quan giải đáp các vấn đề nóng của địa phương |
Bắc Ninh là địa phương có SXCN, xuất khẩu lớn nhất nhì của vùng nhưng ông Nguyễn Tiến Nhường- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh vẫn băn khoăn, bởi khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chiếm tỷ trọng lớn, tới 90% kim ngạch xuất khẩu và 80% giá trị SXCN của tỉnh. “Chỉ samsung ốm nhẹ thôi là tỉnh sẽ lao đao”, ông Nhường nói.
Cùng đó, hạ tầng cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn tỉnh hạn chế là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, ý thức của doanh nghiệp trong xử lý nước thải, rác thải rất kém, tỉnh dù đã rất nỗ lực xử lý, thậm chí ưu đãi lớn nhưng tiến triển rất chậm.
Với Lạng Sơn, ông Nguyễn Công Trưởng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn phản ánh: 2 năm gần đây Trung Quốc xiết chặt truy xuất nguồn gốc hàng hoá xuất khẩu qua đường biên, khiến sản lượng hàng hoá xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể. 4 tháng đầu năm xuất khẩu của tỉnh chỉ đạt 1,5 tỷ USD, riêng mặt hàng nông sản giảm tới 18,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Để tháo gỡ những khó khăn trên, ông Nguyễn Công Trưởng đề xuất: Bộ Công Thương sớm tổ chức hội đàm với Chính phủ Trung Quốc giúp Lạng Sơn thuận lợi hơn trong thông quan hàng hoá. Trung Quốc cũng không còn là thị trường khó tính, do vậy Bộ sớm phối hợp với các đơn vị liên quan cảnh báo thường xuyên cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. “Đặc biệt, làn sóng doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam ngày một rõ nét. Lạng Sơn hiện đã tiếp nhận một số dự án, tuy nhiên hiệu quả của các dự án này chưa chắc đã đạt như kỳ vọng. Do vậy, đề nghị Bộ Công Thương các bộ, ngành khác thận trọng trong thẩm định các dự án này”, ông Nguyễn Công Trưởng nhấn mạnh.
Triển khai sớm các giải pháp
Về phản ánh của Lạng Sơn, đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương cho hay: Thời gian vừa qua kinh tế Trung Quốc liên tục tăng trưởng, thu nhập của người dân tăng cao kéo theo thị hiếu tiêu dùng thay đổi theo hướng khắt khe hơn. Do vậy, Chính phủ Trung Quốc đã nâng cao tiêu chuẩn nhập khẩu, đưa ra quy định về truy xuất nguồn gốc và xiết chặt thực hiện từ năm 2018. Căng thẳng thương mại Trung Quốc- Mỹ leo thang, cơ quan quản lý thương mại biên giới của Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp kiểm soát để ngăn chặn dòng hàng hoá của Mỹ có thể qua Việt Nam vào thị trường Trung Quốc. Đó là những nguyên nhân gây khó cho hoạt động xuất khẩu, nhất là nông sản qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thời gian gần đây.
Các đại biểu tham dự Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ VI-2019 đưa ra nhiều vấn đề nảy sinh trong những tháng đầu năm |
Trước những thay đổi trên, Bộ Công Thương cũng đã có thông tin cảnh báo các địa phương về tiêu chuẩn nhập khẩu của Trung Quốc; mời đoàn chuyên gia hướng dẫn nông dân về tiêu chuẩn sản xuất, quy cách đóng gói. Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục bám sát tình hình và có cảnh báo kịp thời về những thay đổi cũng như các dấu hiệu bất thường.
Về những khó khăn khác của các địa phương, Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định: Trong khuôn khổ chức năng, nhiệm vụ, Bộ Công Thương sẽ đồng hành và gỡ khó tối đa cho các địa phương. Tuy nhiên, với những khó khăn đã được nhận diện các địa phương sớm triển khai giải pháp, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại.
Các địa phương chủ động xây dựng cơ chế, chính sách chủ yếu hỗ trợ phát triển công nghiệp và thương mại; tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại; kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp theo chiều sâu, các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng và tỷ trọng giá trị nội địa cao; phát triển kết cấu hạ tầng thương mại và hệ thống phân phối; xây dựng danh mục và khuyến khích thu hút đầu tư các dự án trọng điểm phát triển hạ tầng thương mại; phát huy tối đa nguồn lực, lồng ghép các chương trình nguồn vốn để đầu tư phát triển lưới điện nông thôn, tổ chức quản lý vận hành đảm bảo an toàn cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa...
Tại hội nghị, Ban tổ chức đã trao cờ luân lưu tổ chức Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ VII- Năm 2020 cho Sở Công Thương Thái Nguyên.
Sở Công Thương Thái Nguyên nhận cờ luân lưu tổ chức Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ VII-2020 |