Hội nghị đối thoại về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội với các doanh nghiệp FDI Nhật Bản
Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, việc tổ chức đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng về chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) là hoạt động thường xuyên của ngành, bên cạnh nhiều hoạt động, hình thức khác như: Tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, tham vấn ý kiến chuyên gia, trao đổi thông tin, tài liệu tham khảo… nhằm thực hiện tốt chế độ, chính sách BHXH, BHYT cho người lao động.
Hội nghị Đối thoại giữa BHXH Việt Nam và các doanh nghiệp FDI Nhật Bản về thực hiện chính sách BHXH, BHYT khu vực phía Bắc năm 2023. Ảnh: BHXH Việt Nam |
Trong không khí kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Nhật Bản, Hội nghị đối thoại về thực hiện chính sách BHXH, BHYT với doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam là cơ hội để các doanh nghiệp Nhật Bản nắm rõ và hiểu hơn về hệ thống và quy định pháp luật về an sinh xã hội, BHXH, BHYT của Việt Nam. Qua đó, giúp xây dựng, củng cố niềm tin, sự an tâm của doanh nghiệp đối với thể chế, chính sách và quy định của pháp luật nói chung và trong lĩnh vực BHXH, BHYT nói riêng. Đây cũng là dịp để nhà đầu tư Nhật Bản trình bày các ý kiến đóng góp giúp hoàn thiện cơ chế, chính sách về BHXH, tạo điều kiện để các doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư lâu dài, bền vững, ổn định tại Việt Nam và bảo đảm quyền lợi của người lao động.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, tính đến tháng 9/2023, BHXH Việt Nam đang phục vụ hơn 92 triệu người dân tham gia BHYT và 17,5 triệu người tham gia BHXH, chiếm gần 40% lực lượng lao động. Riêng khối doanh nghiệp Nhật Bản, hiện có hơn 2,1 nghìn doanh nghiệp với số lao động tham gia BHXH là 547,1 nghìn người, trong đó có 545.500 lao động Việt Nam và 1.600 lao động nước ngoài; số thu BHXH chiếm hơn 13% tổng thu của khối doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch và hậu đại dịch Covid 19, các doanh nghiệp FDI trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản đã có nhiều giải pháp để duy trì ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh, “giữ chân” người lao động; đóng góp quan trọng vào việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. “Đa số các doanh nghiệp Nhật Bản đều chấp hành tốt các chính sách pháp luật của Việt Nam, trong đó có chính sách pháp luật về BHXH, BHYT”, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh.
Với vai trò là cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện chính sách BHXH, BHYT, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã chủ động triển khai các giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động. Đáng chú ý, như việc tham mưu trình Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ về BHXH, BHTN cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với 47,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 45,2% trên tổng các gói hỗ trợ Covid-19 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng không ngừng nỗ lực cải cách, đổi mới và phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, bền vững, hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Đến nay, ngành này đã cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; chuyển đổi số nhanh chóng trong từng khâu nghiệp vụ giúp doanh nghiệp, người dân, người lao động tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ các quyền lợi BHXH, BHYT.
Khẳng định mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – Nhật Bản ngày càng gắn kết, thực chất và hiệu quả, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, thời gian qua, cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản với khoảng 500.000 người, cùng cộng đồng khoảng 20.000 người Nhật Bản tại Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực và thiết thực cho sự phát triển của hai nước. Cùng với sự phát triển quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam – Nhật Bản, hợp tác giữa BHXH Việt Nam và các đối tác Nhật Bản trong lĩnh vực ASXH nói chung, thực hiện hiệu quả chính sách BHXH, BHYT nói riêng đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Tại Hội nghị, ông Yamada Takio - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam thông tin, số lượng công ty Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam đang tăng lên hằng năm. Năm 2023, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã lên tới khoảng 2.000 công ty thành viên. Đây là Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại nước ngoài lớn nhất trong khối ASEAN và đứng thứ hai trên thế giới. Ông Yamada Takio cho rằng, cùng với sự gia tăng các hoạt động đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản vào Việt Nam, đòi hỏi các công ty Nhật Bản cần hiểu và thực hiện tốt các quy định, chính sách BHXH của Việt Nam để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động tại công ty mình.
Trao Bằng khen cho 20 doanh nghiệp FDI Nhật Bản tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong công tác thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT năm 2023. Ảnh: BHXH Việt Nam |
Bên cạnh việc thông tin về bức tranh khái quát tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT của khối doanh nghiệp FDI Nhật Bản, Hội nghị đã dành thời gian để đại diện cơ quan BHXH và các doanh nghiệp FDI Nhật Bản cùng trao đổi, thảo luận và đề xuất các vấn đề liên quan góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách về BHXH, BHYT, tạo điều kiện để doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư hiệu quả, ổn định và bền vững tại Việt Nam và đảm bảo quyền lợi lâu dài cho người lao động.
Trong khuôn khổ hội nghị, nhằm ghi nhận và khích lệ các doanh nghiệp FDI Nhật Bản tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh và đại diện lãnh đạo Bộ, ngành liên quan đã trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp BHXH Việt Nam” cho các cá nhân thuộc cơ quan, tổ chức Nhật Bản tại Việt Nam có đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng và phát triển ngành BHXH Việt Nam. Đồng thời, trao bằng khen cho 20 doanh nghiệp FDI Nhật Bản tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong công tác thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT năm 2023.