Hội nghị toàn quốc triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023
Hội nghị nhằm triển khai Nghị quyết số 47/2022/QH15 ngày 6/6/2022 về Chương trình giám sát năm 2023 của Quốc hộivà Nghị quyết số 23/2022/UBTVQH15 ngày 04/8/2022 về Chương trình giám sát năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội |
Cụ thể, các nội dung nghị sự chính bao gồm: Đánh giá khái quát tình hình triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 và triển khai các nội dung thuộc Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023.
Trong đó, các đại biểu sẽ tham gia ý kiến về: Các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022; các giải pháp triển khai có hiệu quả Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023, tập trung đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện 04 chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cụ thể gồm: Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”; “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”.
Bên cạnh đó, hội nghị sẽ tập trung đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác điều hòa, phối hợp hoạt động tiến hành giám sát, nhất là đối với hoạt động giám sát chuyên đề, việc khảo sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban tại địa phương; giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động xem xét các báo cáo; công tác triển khai hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn năm 2023; việc tăng cường giám sát để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giải pháp tăng cường sự chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân.
Hội nghị cũng sẽ đề xuất các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban; tăng cường hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 ngày 22/7/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đây là lần thứ 2 Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị này, sau Hội nghị đầu tiên về triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 được tổ chức vào đầu tháng 11/2021.
Trong bài viết có tiêu đề “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, góp phần kiểm soát quyền lực và tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trên Tạp chí Cộng sản gần đây, Chủ tịch Quốc hội cho biết, bên cạnh chức năng lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội là cơ quan nhà nước duy nhất được nhân dân giao thực hiện quyền giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước nhằm góp phần kiểm soát quyền lực, bảo đảm việc tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Việc kiểm soát quyền lực nhà nước ở nước ta được thực hiện theo nhiều phương thức khác nhau, trong đó, giám sát tối cao của Quốc hội là một phương thức kiểm soát quyền lực quan trọng và có tính nền tảng trong cơ chế kiểm soát quyền lực ở Việt Nam hiện nay.
Trải qua hơn 75 năm phát triển, Quốc hội luôn nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát tối cao, hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội theo quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Mới đây, tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra yêu cầu: Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn, phát huy dân chủ, tăng tính tranh luận, phân tích sâu, làm rõ những thành tích, ưu điểm, cũng như những tồn tại, khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp xác đáng, khả thi. Chú trọng giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát.
Do đó, việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giám sát là một trọng tâm của đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội Khóa XV.