Hội nghị về thoái vốn Nhà nước và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán
Hàng trăm DN tham gia Hội nghị - Ảnh : Bá Thụy |
Tại hội nghị, ông Nguyễn Trọng Dũng, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN Trung ương - Văn phòng Chính phủ đã phổ biến chủ trương, chính sách cũng như kết quả liên quan đến hoạt động cổ phần hóa và thoái vốn DN nhà nước. Cụ thể tổng số DN nhà nước được sắp xếp đến nay là 5.950 DN, trong đó cổ phần hóa là 4.460 DN và bộ phận DN. Qua sắp xếp, hiện cả nước còn 718 DN nhà nước. Nếu thời điểm năm 2001, DN nhà nước dàn trải trên 60 lĩnh vực thì thì nay chỉ còn tập trung vào 19 ngành và lĩnh vực và sắp tới chỉ còn tập trung vào 12 lĩnh vực.
Ông Hoàng Văn Thu, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN - Bộ Tài chính đã giới thiệu một số chủ trương mới về cổ phần hóa; Qui định mới về đấu giá cổ phần lần đầu và qui định hiện hành về thoái vốn nhà nước và thoái vốn đầu tư ra ngoài của DN nhà nước.
Đại diện SCIC đã chia sẻ những kinh nghiệm trong tái cơ cấu quản trị DN và bán vốn nhà nước tại DN. Ông Nguyễn Hồng Hiển, Phó Tổng giám đốc SCIC cho biết: Tính đến tháng 9/2016, trong số gần 1.000 DN tiếp nhận, SCIC đã bán vốn thành công tại 928 DN (trong đó bán hết vốn tại 830 DN, bán một phần vốn tại 79 DN và bán quyền mua tại 19 DN) với giá vốn là 6.199 tỷ đồng và thu về 14.675 tỷ đồng, chênh lệch bán vốn thu được gấp 2,5 lần giá vốn (cao hơn mức bình quân cả nước giai đoạn 2011 - 2015 là 1,48 lần).
Điểm quan trọng giúp cho công tác bán vốn của SCIC mang lại hiệu quả cao là việc nghiên cứu kỹ thị trường và DN để xác định giá khởi điểm hợp lý, lựa chọn thời điểm bán phù hợp, xây dựng và duy trì mạng lưới các nhà đầu tư quan tâm, tổ chức bán công khai minh bạch… Kinh nghiệm bán vốn nhà nước chuyên nghiệp của SCIC đang được nhiều DN, tập đoàn, tổng công ty tham khảo nhằm đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DN.
Ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc HOSE cũng đã trả lời các câu hỏi liên quan đến trình tự, thủ tục đấu giá, đăng ký niêm yết/đăng ký giao dịch trên HOSE nhằm hỗ trợ các DN thuận lợi trong quá trình làm hồ sơ, thủ tục đấu giá, niêm yết, đăng ký giao dịch tại HOSE. Cụ thể, đối với các DN đấu giá, HOSE sẽ hỗ trợ công bố thông tin và quảng bá hình ảnh các DN đấu giá; Tư vấn, hỗ trợ DN hoàn tất các thủ tục sau đấu giá (chuyển thành công ty cổ phần, niêm yết, đăng kí giao dịch trên các sở Giao dịch Chứng khoán); Tích cực kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc cho DN nâng cao hiệu quả hoạt động đấu giá qua sở GDCK.
Ngoài ra hội nghị còn có rất nhiều ý kiến đóng góp, thắc mắc liên quan đến 4 nhóm vấn đề: Đối tượng áp dụng luật; Vấn đề xử lý tài sản: Trình tự về thủ tục bán (thoái) vốn và những vấn đề liên quan đến kỹ thuật đã được đại diện Bộ Tài chính, đại diện UBCK nhà nước… giải đáp cùng các DN.