Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2019: Đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá thịt lợn dịp cuối năm
Tin hoạt động 02/12/2019 18:07
Đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá thịt lợn
“Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nhiều quốc gia đã thiếu hụt nghiêm trọng mặt hàng này, điển hình như Trung Quốc” – Thứ trưởng Hải nói và cho biết, từ tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong cả nước tính toán cân đối cung - cầu, đảm bảo nguồn cung, đặc biệt là đảm bảo bình ổn giá.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Tại phiên họp, Thủ tướng đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương có ngay giải pháp đảm bảo cung cầu và ổn định giá thịt lợn dịp cuối năm |
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để nắm bắt nguồn cung hàng hoá nói chung, thịt lợn nới và thực hiện các chương trình kết nối cung – cầu tại các địa phương trọng điểm để đảm bảo các cân đối. Bộ cũng đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường cả nước phối hợp chặt chẽ với các địa phương, nhất là các địa phương khu vực biên giới tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn tình trạng buôn lậu mặt hàng thịt lợn từ nội địa qua biên giới, đồng thời, ngăn chặn tình trạng buôn lậu thịt lợn (chủ yếu từ Thái Lan) vào nội địa.
“Dù chúng ta đang thiếu nguồn cung thịt lợn song trong danh sách 24 quốc gia được phép nhập khẩu thịt lợn vào Việt Nam hiện không có Thái Lan” – Thứ trưởng nói và nhấn mạnh, tình trạng buôn lậu này có thể dẫn đến nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, mang theo mầm bệnh vào nội địa Việt Nam, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước.
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, đến thời điểm nay, có 14/63 tỉnh tháng có trên 85% số xã không phát sinh dịch trên 30 ngày, trong đó, Hưng Yên – một trong những địa phương từng bùng phát dịch trên diện rộng - hiện đã được công bố hết dịch. Đây là điều kiện rất thuận lợi để thực hiện tái đàn.
Về phương án đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá thịt lợn trong thời gian tới, ông Tiến cho biết, Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có cuộc họp với các địa phương trọng điểm, doanh nghiệp chăn nuôi và cung ứng thịt lợn lớn và thống nhất phương án duy trì giá thịt lợn dưới 70 nghìn đồng/kg.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát dễn biến thị trường cung – cầu để kịp thời có những tham mưu, chỉ đạo, điều tiết, đảm bảo nguồn cung, đặc biệt là bình ổn giá. |
Tuy nhiên, ông Tiến cũng cho biết, theo tính toán của Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương và Tổng cục Thống kê, thời gian tới chúng ta sẽ thiếu hụt khoảng 200 nghìn tấn thịt lợn và để bù đắp, Chính phủ đã chỉ đạo cần phải nhập khẩu.
“Nguyễn tắc nhập khẩu là lựa chọn các đối tác lớn, cân đối lợi ích giữa người chăn nuôi, người tiêu dùng và bình ổn giá” – ông Tiến khẳng định.
Thực hiện đồng bộ các chính sách phát triển ngành ô tô
Trả lời câu hỏi của phóng viên về nguyên nhân giá ô tô tại thị trường Việt Nam khá cao và giải pháp nào để “kéo giảm” trong thời gian tới, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, với thị trường hơn 100 triệu dân như Việt Nam thì thị trường ô tô được đánh giá là có tiềm năng lớn và hết sức quan trọng, vì vậy, Nhà nước đã và đang dành sự quan tâm phát triển với nhiều chính sách hỗ trợ.
Đi vào vấn đề giảm giá thành ô tô thành phẩm, Thứ trưởng Hải nhấn mạnh, cần có hai yếu tố, gồm: giảm giá thành trong khâu sản xuất và hạ dần các loại thuế, phí liên quan.
Về thực tế giá thành ô tô trong nước hiện cao hơn so với các nước, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chỉ rõ, hiện dung lượng thị trường ô tô trong nước còn nhỏ nên chưa tạo ra các điều kiện để phát triển nhanh ngành này, trong khi đó, chúng ta đang phải chịu sức éo cạnh tranh ngày càng gay gắt với sản phẩm của các quốc gia khác, như: Ấn Độ, Trung Quốc, Hạn Quốc và nhiều nước ASEAN khác. Hơn nữa, ngành công nghiệp ô tô của chúng ta phát triển sau, trong điều kiện Việt Nam đã và đang tham gia ký kết rất nhiều hiệp định thương mại tự do với những cam kết tự do hoá thị trường. Do đó, dư địa để Nhà nước can thiệp bằng chính sách vào sự phát triển của các ngành sản xuất, trong đó có ngành ô tô ngày càng giảm.
Cùng đó, hiện chúng ta chưa có nhiều doanh nghiệp có đủ tầm cỡ để trở thành “đầu tàu” kéo ngành ô tô phát triển, trong khi ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành ô tô chưa đáp ứng được nhu cầu đầu vào cho ngành ô tô. Đặc biệt, những doanh nghiệp FDI thuộc ngành này khi đầu tư vào Việt Nam thường sử dụng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của họ hơn là lựa chọn doanh nghiệp Việt Nam nên khả năng kết nối giữa các doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp FDI còn khó khăn.
“Chúng ta đang thiếu nhiều loại vật liệu cơ bản cho ngành ô tô, như: thép, nhựa, cao su… và vẫn phải nhập khẩu. Đây là nguyên nhân dẫn đến giá thành ô tô vẫn còn cao” – Thứ trưởng Hải cho biết thêm, thời gian tới, Chính phủ, các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh các chính sách và đưa ra các giải pháp thích hợp để hỗ trợ phát triển ngành ô tô trong nước.
Liên quan đến vấn đề thuế, phí đối với sản phẩm ô tô, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Mai cho biết, từ ngày 1/1/2018, thực hiện các hiệp định thuế quan, đặc biệt là Hiệp định ATIGA, thuế nhập khẩu ô tô giảm về 0%, đã tạo ra sức ép cạnh tranh rất lớn với ngành ô tô trong nước.
Nhằm hỗ trợ phát triển ngành ô tô trong nước, Chính phủ đã ban hành Nghị định 125/NĐ-CP năm 2017 với nhiều chính sách hỗ trợ ngành ô tô trong nước. Qua rà soát thực hiện nghị định này, Bộ Tài chính đang tiếp tục rà soát, sửa đổi, trong đó, riêng chính sách đối với ô tô sẽ được sửa đổi theo hướng tạo thuận lợi hơn nữa. Cụ thể có nội dung hết sức quan trọng là tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp ngành ô tô, đồng thời khuyến khích phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển, đáp ứng yêu cầu của ngành ô tô trong nước.