Hộp thư ngày 27/3: Nhiều phản ánh sai phạm thương mại tại các dự án bất động sản Hộp thư ngày 2/4: Cụm công nghiệp biến thành trung tâm đào tạo lái xe |
*Bạn đọc phản ánh: Thời gian gần đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Năng Phát Land thường xuyên tổ chức sự kiện, khai trương văn phòng giao dịch, mở zom chát, nhóm zalo, facebook kêu gọi người tham gia đầu tư tài chính vào công ty với nhiều gói để lựa chọn từ 10 triệu đồng đến 50 tỷ đồng. Nhân viên của công ty này thường tư vấn với mức lãi suất “trên trời” nếu tham gia đầu tư, thậm chí không phải làm gì, mới vào sẽ được bổ nhiệm làm giám đốc chi nhánh,… Cụ thể, theo “Chương trình hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận” của công ty này, nếu tham gia, các nhà đầu tư sẽ được hưởng mức lãi suất không tưởng lên đến 0.50%/ngày, 10.0%/ tháng, 120.0%/năm, 240.0%/ chu kỳ. Khi được hỏi hình thức đầu tư thì nhân viên mập mờ rằng, đó là đầu tư lĩnh vực như sản phẩm đất nền; sản phẩm căn hộ; sản phẩm phố liền kề, biệt thự nghỉ dưỡng, gian hàng thương mại…
Phiếu tư vấn đầu tư do bạn đọc cung cấp. |
Theo tìm hiểu, đây là kiểu đa cấp biến tướng dưới dạng đầu tư tài chính. Tuy nhiên, rất nhiều người chủ yếu là người lớn tuổi, người thiếu hiểu biết sập bẫy hình thức này.
Bộ Công Thương đã khuyến nghị người dân không tham gia vào mạng huy động vốn đa cấp. Gần đây, trên mạng xã hội như facebook, zalo tràn ngập các lời quảng cáo mời gọi tham gia các dự án đầu tư theo kiểu đa cấp, mang nhiều cái tên như “kinh doanh hệ thống”, “kinh doanh mạng”, “kinh doanh thời đại 4.0”…Các đối tượng sẽ nhắm tới là những người đang ham muốn làm giàu nhanh chóng, những người chưa có việc làm, mong muốn khởi nghiệp,… Người dân cần tìm hiểu kỹ, cảnh giác khi đầu tư, tránh tiền mất tật mang..
*Bạn đọc phản ánh: Hồ Đá Dựng tại xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội là hồ nước ngọt, cung cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu cho người dân ở khu vực Trại Mới và lân cận. Tuy nhiên, hiện nay đang bị lấn chiếm, xây dựng các công trình nhằm mục đích làm du lịch. Ở giữa hồ Đá Dựng hiện công nhân, máy móc đang san gạt, lấn tới đâu, xây dựng kè đá tới đó, kết hợp là những công trình xây dựng cốt thép, bê tông dạng nhà ở lấn ra hồ. Theo phản ảnh, chủ doanh nghiệp xây dựng là bà Nguyễn Thị Phương, có địa chỉ tổ 21, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội. Mặc dù người dân phán ánh, nhưng chính quyền UBND xã Tiến Xuân không xử lý. Thậm chí, báo chí phản ánh những lãnh đạo uỷ ban xã này liên tục né tránh không cung cấp thông tin. Việc hồ nước ngọt bị lấn chiếm, xây dựng không chỉ làm hạn chế mực nước dự trữ, ảnh hướng đến công tác tưới tiêu, cung cấp nước mà còn làm ô nhiễm, gây bức xúc cho người dân. Đề nghị UBND huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội, cơ quan chức năng làm rõ, trả lời những bức xúc của người dân phản ánh.
Hồ Đá Dựng đang bị xây dựng các công trình trên hồ |
*Người dân phản ánh: Nhiều barie hạn chế xe có tải trọng từ 12 tấn trở lên chạy trên đê hữu sông Đào, đoạn qua huyện Vụ Bản, tỉnh Nam gây cản trở giao thông, lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế địa phương và đời sống người dân quanh khu vực nhiều năm nay. Người dân cho biết, cả tuyến đê này có một đoạn dài khoảng 3km từ phía tiếp giáp với TP. Nam Định đến UBND xã Tân Thành, huyện Vụ Bản, nhưng có đến 12 barie trên đê và đường gom dưới chân đê. Đáng nói, trên tuyến đê này, cả hai bên đường đều đông cư dân sinh sống. Và cùng trên con đê này, đoạn chạy qua TP. Nam Định lại không có các barie hạn chế tải trọng như trên. Người dân ủng hộ việc hạn chế xe tải trọng lớn từ 12 tấn trở lên để bảo vệ mặt đê. Tuy nhiên, người dân cũng cho biết, do chiều cao barie quá thấp (2,45m) nên các xe đúng tải trọng, xe thùng 1,5 tấn, xe khách 24 chỗ không thể qua được, ảnh hưởng lớn đến giao thương hàng hóa cũng như đời sống người dân. Trước đây, để xe có thể qua barie, người dân phải báo trước cho người cầm chìa khóa hoặc tới UBND xã Tân Thành báo trước 1-2 ngày. Ngoài những vấn đề trên, đáng lo hơn là khi có hỏa hoạn, xe chữa cháy cũng không thể vào ứng cứu kịp thời. Đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp huyện Vụ Bản sớm tháo gỡ bất cập này.
* Bạn đọc phản ánh: Hàng nghìn khách hàng mua căn hộ tại Dự án Khu căn hộ, căn hộ dịch vụ, khu dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê Contenment Plaza (có tên thương mại Roxana Plaza), tại số 9/14, KP Đông, phường Vĩnh Phú, TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương kêu cứu, vì ký phát hiện hợp đồng mua bán không đúng đối tượng của Công ty Cổ phần Naviland (Công ty Naviland) và hiện nay Công ty Naviland chưa là chủ đầu tư dự án.
Cụ thể, dự án này do Công ty TNHH Xây dựng dịch vụ thương mại đầu tư bất động sản Tường Phong (Công ty Tường Phong) làm chủ đầu tư. Năm 2017, Công ty Naviland giới thiệu đã mua lại dự án Roxana Plaza từ Công ty Tường Phong và ký hợp đồng bán căn hộ trực tiếp với khách hàng. Rất đông khách hàng đã ký hợp đồng với Công ty Naviland để mua căn hộ của dự án, và đóng tiền đến 70% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên gần đây khách hàng mới biết đến nay hồ sơ pháp lý chuyển nhượng dự án Roxana Plaza sang Công ty Naviland vẫn chưa được cơ quan chức năng phê duyệt thông qua. Mới đây khách hàng phát hiện, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An đang tiến hành giải quyết thi hành án 451 việc đối với Công ty Tường Phong. Số tiền công ty này còn phải thi hành án lên đến hơn 121 tỷ đồng, chưa kể tiền lãi phát sinh do chậm thi hành án. Việc này khiến khách hàng vô cùng long lắng. Ngoài ra còn có rất nhiều vấn đề tranh chấp giữa chủ đầu tư và đơn vị đứng ra ký kết hợp đồng.
Khách hàng đã bỏ ra cả tỷ đồng để hy vọng sớm có chỗ an cư, nhưng đến nay nhà chưa được nhận mà dự án lại dừng thi công, không biết khi nào mới hoàn thành. Thời gian qua, niều người tập trung giăng băng rôn và gửi đơn kêu cứu mong cơ quan chức năng vào cuộc để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người mua nhà.
Vuasanca điện tử sẽ tìm hiểu, xác minh, làm rõ những sự việc trên và thông tin tới bạn đọc.
Bạn đọc có thông tin, phản ánh, tin bài gửi về Tòa soạn Vuasanca điện tử tại địa chỉ: Vuasanca , tầng 10-11, tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Đường dây nóng: 0866.59.4498; Email: [email protected] |