Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) - cho biết, HoREA nhận thấy tinh thần của Luật Đất đai là cơ quan có thẩm quyền phải thông báo thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đến người dân trong khu vực có đất thu hồi, để người dân hiểu rõ chủ trương và tham gia trao đổi dân chủ để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, cũng như các nghĩa vụ của mình khi Nhà nước thu hồi đất.
Tuy nhiên, Luật Đất đai chưa có quy định về “công tác điều tra xã hội học” trong quá trình thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, ngay từ thời điểm đầu tiên thông báo chủ trương thu hồi đất và xuyên suốt quá trình thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Ảnh minh họa |
Theo ông Châu, việc thực hiện tốt "công tác điều tra xã hội học" sẽ giúp cho cơ quan Nhà nước nắm vững nhu cầu, hoàn cảnh, sinh kế, kể cả tâm tư, nguyện vọng của người có đất bị thu hồi, giúp cho việc thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được sát thực tế và phù hợp với nhu cầu của người dân, tránh được tình trạng dư thừa nhà tái định cư như trong những năm gần đây. Điều cần lưu ý trong quá trình thực hiện, đó là người có đất bị thu hồi thường thay đổi ý kiến theo thời gian.
“Từ các nội dung trên, chúng tôi đã kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh bổ sung vào Dự thảo nội dung quy định công tác điều tra xã hội học trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, ngay từ thời điểm đầu tiên thông báo chủ trương để thống nhất với quy định tại Điều 38 Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND ngày 9/8/2018 của UBND TP. Hồ Chí Minh”, ông Châu cho biết.
Cụ thể, về hỗ trợ tái định cư người có đất ở bị thu hồi, HoREA đề nghị bổ sung vào Dự thảo quy định về 3 phương thức tái định cư để người dân lựa chọn gồm: Tái định cư tại chỗ là tốt nhất vì gắn liền với sinh kế và các mối quan hệ xã hội của người dân; tái định cư nơi khác, trước hết cần ưu tiên tái định cư trong phạm vi cùng quận, huyện; trường hợp bất khả kháng thì bố trí tái định cư ở quận, huyện liền kề; hoặc người dân đề nghị được nhận tiền và tự lo tái định cư. Đồng thời, HoREA đề nghị quy hoạch khu tái định cư phải có đầy đủ tiện ích, dịch vụ, kết nối giao thông thuận tiện, tạo được một số việc làm tại chỗ cho cư dân.
Đối với chính sách hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất và nhu cầu bố trí chỗ ở tạm (tạm cư) trong khi chờ tái định cư tại chỗ, HoREA nhận thấy các quy định này chưa đáp ứng được các trường hợp người dân lựa chọn tái định cư tại chỗ khi thực hiện các dự án xây dựng lại chung cư cũ hư hỏng; hoặc chỉnh trang khu vực nhà trên và ven kênh rạch; hoặc chỉnh trang khu phố lụp xụp.
Nguyên nhân được HoREA chỉ ra là do các trường hợp yêu cầu tái định cư tại chỗ này đòi hỏi phải bố trí tạm cư trong thời gian chờ xây dựng mới nhà tái định cư. Nhưng, Luật Đất đai 2013 không có quy định về "tạm cư" mà chỉ có quy định các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất (Khoản 2 Điều 83), trong đó có "hỗ trợ tái định cư và hỗ trợ khác". Do vậy, HoREA đề nghị Chính phủ và Bộ Tài nguyên Môi trường xem xét bổ sung nội dung "hỗ trợ bố trí chỗ ở tạm thời (tạm cư)" vào Khoản 2 Điều 83 Luật Đất đai để các địa phương dễ thực hiện và người dân yên tâm. Đồng thời, HoREA đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố xem xét bổ sung nội dung "hỗ trợ bố trí chỗ ở tạm thời (tạm cư)" vào Điều 15 của Dự thảo.
Bên cạnh đó, HoREA cũng đề nghị bổ sung vào Điều 17 Dự thảo quy định cơ chế thực hiện nhằm nâng cao chất lượng các cuộc họp trực tiếp với từng hộ dân trong khu vực có đất thu hồi. Trong đó, đề nghị hết sức coi trọng vai trò của Mặt trận tổ quốc Việt Nam phường, xã; các đoàn thể chính trị - xã hội, đặc biệt là hội phụ nữ, hội nông dân; tổ dân phố; người có uy tín tại địa phương; lên kế hoạch tiếp xúc phù hợp với hoàn cảnh của từng hộ dân, kể cả ngoài giờ hành chính.