CôngThương - Trong những năm qua, ngành thủy sản luôn có tốc độ phát triển nhanh, góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, ngành thủy sản vẫn đang phải đối mặt với hàng loạt những khó khăn do thời tiết, môi trường, con giống, thức ăn và hàng loạt những tồn tại.
Theo dự thảo kế hoạch 5 năm, các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế ngành thủy sản đến năm 2015 là: sản lượng thủy sản tăng với tốc độ bình quân 2,66%/năm; giá trị sản xuất thủy sản tăng trung bình 8-10%/năm; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 6,5 tỷ USD với tổng sản lượng thủy sản khai thác đạt 5,7 triệu tấn; số lao động nghề cá năm 2015 đạt 4,8 triệu người.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết, bản kế hoạch 5 năm phát triển ngành thủy sản (2011-2015) được xây dựng dựa trên Chiến lược Phát triển thủy sản đến năm 2020, Quy hoạch tổng thể phát triển ngành đến năm 2020 và định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt. Theo đó, kế hoạch phát triển thủy sản 5 năm 2011-2015 sẽ phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, trở thành một ngành sản xuất hàng hóa lớn, có khả năng cạnh tranh cao và hội nhập vững chắc trong nền kinh tế thế giới; đồng thời góp phần nâng cao thu nhập và điều kiện sống của cộng đồng ngư dân.
Để đạt được các mục tiêu tổng thể trên, ngành thủy sản sẽ tập trung vào các giải pháp như: tăng trưởng thủy sản nhanh, hiệu quả và bền vững góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng ngành; giảm tàu thuyền khai thác hải sản vùng biển ven bờ, tăng số lượng tàu thuyền khai thác vùng lộng và vùng khơi gắn với bảo về quốc phòng an ninh biển đảo. Bên cạnh đó, ngành sẽ phát triển nhanh nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa, có hiệu quả, sức cạnh tranh cao và phát triển bền vững; trở thành ngành sản xuất chủ lực cung cấp nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu và tiêu dùng trong nước; nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản để tăng năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của ngành thủy sản; bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản gắn liền với xây dựng các khu bảo tồn biển và bảo tồn nội địa, góp phần cải thiện chất lượng môi trường và đa dạng sinh học; phát triển hệ thống cơ khí và cơ sở hạ tầng dịch vụ phục vụ sản xuất thủy sản.
Theo ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam, cần giảm khai thác tàu thuyền ven bờ, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp ngư dân. Vấn đề cung cấp con giống cho nuôi trồng thủy sản cũng là việc cần quan tâm, Do đầu tư dàn trải, không đồng bộ nên từ nhiều năm nay con giống vẫn trong vòng luẩn quẩn, chưa có lối thoát. Hoạt động ngành còn nhiều chồng chéo, phức tạp, hiệu quả chưa cao nên cũng gây khó khăn cho việc phát triển thủy sản Việt Nam.
Ông Chu Tiến Vĩnh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết thêm, hiện giá nhiên liệu tăng nhưng giá bán thủy sản trên thị trường thì lại không tăng kịp, do vậy ngư dân gặp khó khăn. Trong chiến lược phát triển thủy sản cũng cần có chính sách hỗ trợ ngư dân như cho vay vốn để đóng mới tàu lớn, đào tạo nhân lực, xây dựng các cơ sở nghề cá, hỗ trợ ngư dân chuyển từ đánh bắt sang nuôi trồng, du lịch, đào tạo nghề khác để không làm nghề đánh bắt, nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết thêm đối với chỉ tiêu xuất khẩu thủy sản đến năm 2015 là 6,5 - 6,7 tỷ USD và đến năm 2020 là 8 tỷ USD đã được Thủ tướng phê duyệt trong Chiến lược Phát triển thủy sản đến năm 2020, chương trình xuất khẩu thủy sản chỉ là một trong những giải pháp để thực hiện chiến lược này. Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhận định, những thách thức lớn nhất đối với Chương trình xuất khẩu thủy sản giai đoạn tới là sự gắn kết giữa chế biến xuất khẩu với sản xuất nguyên liệu còn lỏng lẻo; tuyên truyền và xúc tiến thương mại chưa đạt kết quả cao; quản lý chất lượng theo chuỗi sản phẩm với việc đưa ra các chứng chỉ về chất lượng ở mức cao nhất của thế giới chưa được tổ chức bài bản... Đây là những thách thức hàng đầu phải vượt qua để đạt được mục tiêu đề ra.