CôngThương - Đây là quan điểm của ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về thực trạng và phương hướng giải quyết nợ xấu trong ngắn và trung hạn.
Tốc độ tăng nợ xấu giảm còn 1/3
Xin ông phân tích về con số nợ xấu thực tế cập nhật đến thời điểm hiện nay? Các nhóm nợ xấu này thuộc lĩnh vực nào và biến động thế nào thời gian qua? Ông đánh giá thế nào về việc nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) báo cáo nợ xấu khá thấp (3%)? NHNN xử lý thế nào giải quyết tình trạng che giấu nợ xấu của các TCTD?
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa: Đến cuối tháng 8/2013, tổng nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống là 142,27 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,64% tổng dư nợ, tăng 20,15% so với cuối năm 2012. Tốc độ tăng này thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 59,2% trong 8 tháng đầu năm 2012.
Giá trị nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu của hầu hết các ngành kinh tế đều tăng. Trong đó, ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo có tỷ trọng nợ xấu lớn nhất (chiếm 21,0% tổng nợ xấu của các ngành). Tiếp theo là ngành Thương nghiệp (chiếm 20,6% tổng nợ xấu của các ngành) và ngành Xây dựng (chiếm 10,3%). Đặc biệt, nợ xấu của ngành Thương nghiệp và ngành Kinh doanh bất động sản có tốc độ tăng nhanh nhất trong 8 tháng đầu năm 2013.
Thực tế, từ đầu năm 2013, nhiều TCTD đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp kiềm chế nợ xấu gia tăng và xử lý nợ xấu thông qua cơ cấu lại nợ, thu hồi nợ, xử lý tài sản bảo đảm và tích cực sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu theo quy định tại Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN. Sau đó, một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu giảm.
Để hạn chế hiện tượng che giấu nợ xấu, NHNN đã và đang tăng cường thanh tra, giám sát việc cơ cấu lại nợ, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro của các TCTD, nhằm phát hiện các TCTD có hành vi vi phạm, che giấu nợ xấu để xử lý kịp thời theo quy định pháp luật.
Dư luận đang quan tâm VAMC đã triển khai hoạt động gì từ khi thành lập (tháng 7/2013)?
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa: Do mới được thành lập và đi vào hoạt động, trong thời gian qua VAMC đã tập trung xây dựng quy trình, quy chế nội bộ, để điều chỉnh toàn bộ hoạt động của Công ty. Đồng thời, VAMC cũng đã chuẩn bị nguồn nhân lực, hoàn thiện mô hình tổ chức, đào tạo và tập huấn cho cán bộ nắm vững nghiệp vụ để đáp ứng các yêu cầu công việc trong giai đoạn sắp tới. VAMC đã làm việc với các TCTD, thảo luận các kế hoạch, biện pháp thực hiện để triển khai mua, bán nợ theo quy định tại Thông tư số 19/2013/TT-NHNN.
Nhiều TCTD đã bày tỏ nhu cầu bán nợ và hiện nay VAMC đang phối hợp với các TCTD rà soát các khoản nợ đủ điều kiện bán cho VAMC. Trong quý IV/2013, dự kiến VAMC sẽ mua khoảng 30 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
Lộ trình xử lý nợ xấu đến cuối năm và năm tiếp theo, xin ông cho biết số liệu cụ thể?
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa: Về lộ trình triển khai từ nay đến cuối năm, theo kế hoạch, đến hết năm 2013, VAMC sẽ thực hiện mua hơn 30 nghìn tỷ đồng nợ xấu của các TCTD. Năm 2014 và 2015, NHNN sẽ chỉ đạo các TCTD áp dụng các biện pháp xử lý, thu hồi nợ, tài sản bảo đảm và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, đồng thời phối hợp với VAMC tích cực thực hiện hoạt động mua bán nợ xấu. Tất cả các hoạt động phải nhằm bảo đảm đạt mục tiêu đến cuối năm 2015 đưa mức nợ xấu về ngưỡng an toàn như kế hoạch Quốc hội đề ra. Dự kiến nợ xấu được xử lý qua VAMC sẽ chiếm khoảng 40-50% tổng số nợ xấu hiện nay của toàn hệ thống ngân hàng.
Khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài mua nợ xấu
Vừa qua một số chuyên gia, tổ chức tài chính quốc tế tỏ ý muốn mua nợ xấu ngân hàng của Việt Nam. Quan điểm của NHNN và VAMC về việc hợp tác này thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa: Theo Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng” và Đề án “Thành lập Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, một trong những nguyên tắc xử lý nợ xấu là huy động mọi nguồn lực trong xã hội và hạn chế sử dụng vốn ngân sách để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Do đó, việc tham gia của mọi thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có vai trò quan trọng thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu và phát triển thị trường mua, bán nợ trong bối cảnh các nguồn lực trong nước còn hạn chế.
Bên cạnh đó, Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng” cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tích cực đôn đốc, thu hồi nợ, xử lý tài sản bảo đảm và bán nợ xấu cho các công ty quản lý tài sản, công ty mua bán nợ và các tổ chức, cá nhân khác. Đây là một trong những chủ trương nhằm khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào việc mua bán nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Thông tư số 19/2013/TT-NHNN có nêu ra việc các khoản nợ xấu của TCTD sẽ được mua theo giá trị thị trường. Các tổ chức quốc tế cũng cho rằng cần mua bán nợ theo giá trị thị trường. Vì sao VAMC không triển khai theo hướng này? VAMC sẽ làm gì để đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu? Khuôn khổ pháp lý hiện tại cần phải bổ sung những gì để thu hút nước ngoài hợp tác?
Nguyễn Hữu Nghĩa: Theo quy định tại Thông tư số 19/2013/TT-NHNN, VAMC có thể mua nợ xấu của TCTD theo hai hình thức: Một là, mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành; Hai là, mua nợ xấu theo giá trị thị trường. Trong ngắn hạn, VAMC tập trung mua bán nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành vì hình thức này cho phép xử lý nợ xấu nhanh hơn so với hình thức mua nợ theo giá trị thị trường. Mặt khác, chúng ta cũng biết rằng mua bán nợ theo giá trị thị trường đồng nghĩa với việc VAMC cần phải có tài chính đủ mạnh và phải chấp nhận rủi ro. Trong giai đoạn đầu khi nguồn lực tài chính và năng lực quản lý rủi ro còn hạn chế thì VAMC tập trung mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt.
Sau khi mua khoản nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt, VAMC sẽ thực hiện đầy đủ quyền chủ nợ để xử lý nợ xấu thông qua việc cơ cấu lại khoản nợ, hỗ trợ tài chính cho khách hàng vay, chuyển nợ thành vốn góp, quyết định bán lại khoản nợ đó cho nhà đầu tư, xử lý tài sản bảo đảm.
Trong trung hạn, căn cứ khả năng quản trị, tiềm lực tài chính và mức độ phát triển thị trường, nhu cầu của nhà đầu tư, VAMC sẽ triển khai việc mua, bán nợ xấu theo giá trị thị trường.
Về khuôn khổ pháp lý hiện nay, để thu hút các nguồn lực xã hội tham gia mua, bán và xử lý nợ xấu góp phần thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu, NHNN chủ động phối hợp với các bộ, ngành tập trung triển khai thực hiện Nghị định số 53/2013/NĐ-CP và Quyết định số 843/QĐ-TTg, trong đó tập trung vào việc ban hành các quy định hỗ trợ cho việc xử lý nợ xấu. Cụ thể: Các chính sách, quy định về miễn, giảm thuế liên quan đến mua, bán tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT cho VAMC. Tiếp tục hoàn thiện các quy định về giao dịch bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm. Hoàn thiện các quy định về quản lý đô thị, đầu tư và xây dựng, thị trường bất động sản. Tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài mua, sở hữu nhà ở.