Hướng tới quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động
Công tác tuyên giáo sẽ tập trung vào thu nhập của NLĐ |
Nhiều hiệu quả thiết thực
Những năm qua, công tác tuyên truyền giáo dục đã từng bước thay đổi, đạt được một số thành tựu nhất định. Theo đó, Công đoàn Công Thương Việt Nam (CĐCTVN) đã nghiên cứu, tìm hiểu để nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của công nhân viên chức, lao động (CNVCLĐ) để tuyên truyền về quyền lợi và trách nhiệm tham gia tổ chức công đoàn, giúp họ có nhận thức và hành động đúng.
Bên cạnh đó, CĐCTVN còn tổ chức các chương trình tuyên truyền lồng ghép với hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, tạo không khí vui tươi lành mạnh, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động (NLĐ).
Theo ông Trần Mạnh Thắng - Trưởng ban Tuyên giáo (CĐCTVN) - công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã bám sát tình hình thực tiễn, tập trung tuyên tuyền cho CNVCLĐ về tình hình kinh tế - xã hội trong nước, thế giới và khu vực, đồng thời là thách thức của quá trình toàn cầu hóa và tác động mặt trái của kinh tế thị trường. Từ đó, nâng cao nhận thức, hiểu biết của NLĐ về chính sách, pháp luật, giúp họ tự bảo vệ quyền lợi, hạn chế tranh chấp, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong CNVCLĐ còn hạn chế về số lượng, chất lượng, phạm vi và hiệu quả tuyên truyền.
Đổi mới mạnh mẽ
Ông Nguyễn Văn Ngàng - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, công tác tuyên truyền phải tích cực thay đổi nhằm đáp ứng những yêu cầu mới khi Việt Nam tham gia TPP.
Hiểu rõ điều đó, sắp tới, CĐCTVN sẽ tập trung tuyên truyền vào các nhóm đối tượng riêng. Trong đó, với NLĐ và chủ sử dụng lao động, công đoàn sẽ xem xét phân loại lao động theo ngành nghề (may mặc, lắp ráp thiết bị điện tử, công nghệ cao, dịch vụ…); trình độ hiểu biết; điều kiện làm việc; tiền lương, thu nhập; loại hình doanh nghiệp (lao động trong doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài); tâm tư, nguyện vọng, đời sống tinh thần của NLĐ. Từ đó, CĐCTVN sẽ tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động cho người sử dụng lao động và NLĐ một cách phù hợp.
Về công cụ tuyên truyền, ông Thắng cho biết, CĐCTVN sẽ tiếp tục phối hợp linh hoạt nhiều loại hình thông tin đa dạng, trong đó có mạng xã hội (facebook, Youtube...); đồng thời phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, bản tin, website, tờ rơi, các phương tiện thông tin đại chúng trong hệ thống công đoàn.
Quan trọng hơn, theo ông Thắng, công tác tuyên giáo thời gian tới sẽ “xoáy” vào việc làm, thu nhập và đời sống tinh thần của NLĐ. Việc gia nhập TPP sẽ tạo cơ hội cho các ngành, lĩnh vực như: may mặc, da giày, lắp ráp thiết bị điện tử… Đây là những ngành sử dụng nhiều lao động nhưng tay nghề của công nhân lại không cao, thu nhập thấp, dễ phát sinh những vấn đề trong quan hệ lao động. Mặt khác, CĐCTVN sẽ đẩy mạnh phát động và tổ chức các phong trào học tập nhằm nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, từ đó giúp NLĐ được nâng lương, nâng bậc, nâng cao thu nhập.
Thời gian tới, công đoàn ngành Công Thương sẽ đẩy mạnh phát động và tổ chức các phong trào học tập nhằm nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, từ đó giúp NLĐ được nâng lương, nâng bậc, nâng cao thu nhập. |