Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Đẩy nhanh tiến độ các công trình điện |
Theo số liệu được (EVN) công bố, để đảm bảo đầu tư các dự án điện trong Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng nhu cầu vốn đầu tư cả giai đoạn 2011 - 2020 của EVN là 1.222.045 tỷ đồng (bình quân trên 5 tỷ USD/năm). Tuy nhiên, thực tế triển khai, trong giai đoạn này, hàng năm EVN và EVNNPT chỉ thu xếp được khoảng gần 1 tỷ USD/năm cho đầu tư lưới truyền tải.
Chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan đến việc đầu tư lưới điện truyền tải |
Đại diện EVN cho biết, EVN đảm bảo thu xếp bố trí nguồn vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư theo kế hoạch 5 năm và kế hoạch hàng năm. Tuy nhiên, việc huy động vốn để đầu tư các dự án điện của EVN còn gặp rất nhiều khó khăn. Theo đó, giai đoạn 2011 - 2015, khủng hoảng tài chính trên thế giới đã tác động trực tiếp đến Việt Nam. Khối lượng đầu tư nguồn và lưới điện trong Quy hoạch điện VII đòi hỏi nhu cầu vốn quá lớn, trong khi giá điện chưa thu hút đầu tư, tình hình tài chính và hoạt động sản xuất, kinh doanh điện của EVN chịu ảnh hưởng lớn, rủi ro của các yếu tố đầu vào cơ bản như giá nhiên liệu, biến động tỷ giá, cơ cấu sản lượng điện phát, chính sách tín dụng tiền tệ… Trong giai đoạn này, nguồn vốn tự có của EVN và các đơn vị để đối ứng cho dự án rất hạn chế.
Giai đoạn 2016 - 2020, tình hình tài chính thu xếp vốn của EVN đã được cải thiện, trong đó, tỷ lệ tự đầu tư đều đạt trên 30%, thậm chí có đơn vị đạt trên 50%. Tuy nhiên, việc thu xếp vốn của EVN vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc, đặc biệt cho các dự án lớn, do hạn chế về trần nợ công nên việc thu xếp vốn cho các dự án điện của EVN không còn được Chính phủ bảo lãnh. Đại diện EVN cho biết, theo Luật Các tổ chức tín dụng, việc huy động vốn bị hạn chế bởi giới hạn và không quá 15% vốn điều lệ của ngân hàng đối với EVN, 25% đối với tất cả các đơn vị thuộc EVN. Trong khi đó, hầu hết ngân hàng trong nước đã vượt hạn mức giới hạn này đối với EVN và các đơn vị thành viên.
Đối với các nguồn vốn ODA vay ưu đãi nước ngoài, Việt Nam đã chính thức dừng vay từ IDA từ ngày 1/7/2017, nên nguồn vốn ODA và tín dụng ưu đãi của các tổ chức tín dụng quốc tế giảm dần. Theo đó, EVN và các đơn vị không thể tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, thời gian vay để đầu tư cho các dự án điện như trong giai đoạn trước đây. Do vậy, để đảm bảo nguồn vốn cho các dự án đầu tư phát triển điện lực theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII, ước tính, cần trên 3 tỷ USD/năm. Như vậy, rất cần có các cơ chế cụ thể và rõ ràng hơn về xã hội hóa đầu tư, khuyến khích các thành phần tư nhân tham gia đầu tư lưới điện truyền tải.
Bên cạnh đó, Luật số 03/2022/QH15 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện lực có hiệu lực từ ngày 1/3/2022 quy định: Thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trên cơ sở đảm bảo quốc phòng an ninh và theo quy hoạch phát triển điện lực. Tuy nhiên, đến nay, chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn của cấp có thẩm quyền liên quan đến việc đầu tư lưới điện truyền tải và các vấn đề khác liên quan đến giá truyền tải điện, cơ chế lựa chọn chủ đầu tư, quản lý chi phí đầu tư, vận hành lưới truyền tải… và đặc biệt là quản lý nhà nước trong việc kiểm soát, bảo đảm an ninh, an toàn lưới truyền tải điện do thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư.
Việc thu xếp vốn cho các dự án lưới điện có số vốn hàng tỷ USD gặp nhiều khó khăn, một mình EVN sẽ khó giải quyết được, rất cần sự giúp đỡ của các cấp có thẩm quyền từ trung ương, bộ, ngành, địa phương và cả tư nhân.
|