Đội tàu vận chuyển sẵn sàng phục vụ du khách |
Thực hiện được 4 vấn đề lớn
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Bá Nam - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô - cho biết, gần 57 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, các lực lượng vũ trang huyện Cô Tô đã nỗ lực thực hiện lời Bác dạy khi Bác ra thăm đảo năm 1961. Từ một huyện đảo nghèo, khó trăm bề, Cô Tô đã hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, với hệ thống hạ tầng được đầu tư đồng bộ. Trong đó, 4 vấn đề lớn đặt ra, Cô Tô đều đã thực hiện được.
Thứ nhất, đưa điện lưới quốc gia ra đảo vào tháng 10/2013, biến giấc mơ ngàn đời của người dân Cô Tô trở thành sự thật. Có điện lưới, Cô Tô có điều kiện phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội. Thứ hai, đến nay, Cô Tô đã hoàn thành tất cả quy hoạch chiến lược như: Quy hoạch về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh; quy hoạch phát triển du lịch, nguồn nhân lực, môi trường và các khu bảo tồn thiên nhiên biển. Thứ ba, với sự quan tâm đầu tư rất lớn của Trung ương và của tỉnh Quảng Ninh, Cô Tô đã hoàn thành quy hoạch 22 hồ nước ngọt trên đảo. Việc giải quyết được vấn đề nước ngọt, đảm bảo tạo tiền đề cho Cô Tô phát triển bền vững. Thứ tư, Cô Tô đã kêu gọi được các nhà đầu tư chiến lược đầu tư hệ thống giao thông vận tải thủy, với 26 tàu cao tốc, năng lực vận chuyển bình quân 10 nghìn khách/ngày ra đảo. Điều này thể hiện sự phát triển vượt bậc về giao thông thủy, rút ngắn khoảng cách giữa Cô Tô với đất liền, thời gian ra đảo Cô Tô chỉ còn khoảng 1 giờ 30 phút (thay vì 5- 6 giờ trước đây).
Du lịch - ngành mũi nhọn
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Hoàng Bá Nam thể hiện rõ niềm vui trước sự phát triển nhanh và đồng bộ của hệ thống cơ sở hạ tầng. Từ một huyện cơ sở hạ tầng kém phát triển, đến nay, cơ sở hạ tầng cơ bản hoàn thiện, đặc biệt cơ sở y tế, giáo dục, giao thông, điện, hệ thống viễn thông phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Điểm nhấn là cơ sở hạ tầng du lịch. Cô Tô hiện có 235 cơ sở, khách sạn lưu trú với hơn 2.500 phòng. Lượng khách du lịch cũng tăng dần. Năm 2013, Cô Tô mới đón 5 nghìn lượt khách, năm 2015 đón 180 nghìn lượt khách thì năm 2017, huyện đã đón tới 320 nghìn lượt, trong đó, khách du lịch quốc tế tăng trưởng trên 250%. Doanh thu từ du lịch năm 2017 đạt trên 570 tỷ đồng, gấp hơn 20 lần năm 2013. "Năm 2017, hơn 6.000 dân Cô Tô đón 320 nghìn lượt khách, bình quân mỗi người dân đón 5 khách. Tuy nhiên, trong phát triển du lịch, quan điểm của chúng tôi không đặt nặng vấn đề tăng trưởng số lượng, mà đi sâu vào chất lượng phục vụ, để làm sao đạt 3 mục đích: Tăng thời gian lưu trú, tăng chi tiêu của khách và tăng nguồn thu từ phát triển du lịch"- Bí thư, Chủ tịch UBND huyện- Hoàng Bá Nam nhấn mạnh.
Du lịch đang tạo việc làm cho 50% dân số địa phương, với 1.500 lao động trực tiếp, trên 2 nghìn lao động gián tiếp. Đây cũng được cọi là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện đảo. Cả huyện thu ngân sách 28 tỷ đồng, riêng lĩnh vực du lịch đóng góp trên 10 tỷ đồng.
Hiện nay, du lịch là nguồn thu nhập chính của người dân, cũng như đóng góp cho tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tích cực theo hướng: Du lịch, dịch vụ, nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Có thể nói, đối với Cô Tô, hiện toàn dân làm du lịch, người dân được hưởng lợi từ du lịch và du lịch đem lợi ích rất lớn về kinh tế. Từ lợi ích kinh tế, người dân Cô Tô yêu và giữ gìn biển đảo tốt hơn… Trong Năm du lịch quốc gia 2018, Cô Tô đặt mục tiêu đón khoảng 350 nghìn lượt khách.
Nhân dân huyện đảo Cô Tô khắc ghi lời Bác dạy |
Được biết, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu là tỉnh có cơ cấu dịch vụ công nghiệp hiện đại vào năm 2020. Cô Tô là một trong số địa phương đang nỗ lực phấn đấu cho mục tiêu này.
Đảng bộ huyện Cô Tô đang chỉ đạo rất quyết liệt, sâu sát, tạo mọi điều kiện cho người dân Cô Tô phát triển sản xuất, làm giàu chính đáng theo định hướng tập trung phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ và nông nghiệp tiểu thủ công nghiệp; trong nông nghiệp lấy kinh tế thủy sản, kinh tế biển làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển.
Khách sạn, cơ sở lưu trú được đầu tư mạnh ở Cô Tô |
Nhờ kinh tế du lịch, dịch vụ phát triển bứt phá, những năm gần đây, tốc độ phát triển kinh tế- xã hội của Cô Tô có tăng trưởng vượt bậc (bình quân 15- 16%/năm). Từ một huyện tỷ lệ hộ nghèo rất cao, nay hộ nghèo chỉ 1,27%, thu nhập bình quân 3.000 USD/người/năm...
Trao đổi về vấn đề này, Ông Hoàng Bá Nam nhấn mạnh 3 chuyển dịch lớn của huyện đảo Cô Tô. Trước hết, chuyển dịch về cơ cấu kinh tế. Hiện du lịch, dịch vụ chiếm trên 70% tỷ trọng kinh tế, còn lại gần 30% là nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Điều này thể hiện cơ cấu kinh tế chuyển dịch rất đúng và trúng. Thứ hai, chuyển dịch về lao động. Trước đây, chủ yếu lao động làm nông nghiệp, đánh bắt hải sản, hiện nay, đã chuyển sang làm dịch vụ du lịch rất rõ nét. Để thực hiện chuyển dịch này, huyện đã thực hiện chiến lược đào tạo lao động, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đặc biệt chiến lược nâng cao nguồn nhân lực trong chuyển dịch lao động. Thứ ba, nhận thức của người dân đã có chuyển dịch rất lớn, làm giàu từ bàn tay, khối óc với tư duy mới…
Nhân dân, cán bộ, đảng viên Cô Tô khắc ghi lời Bác căn dặn, đang vững tin khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có, để làm giàu và bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc!