IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2025
Ngày 22/10 (theo giờ Mỹ), /chu-de/quy-tien-te-quoc-te.topic (IMF) đã cho ra mắt báo cáo cập nhật Triển vọng kinh tế thế giới năm 2025. Trong đó, nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 6,1% trong năm sau, không thay đổi so với dự báo tăng trưởng năm 2024, nhưng vẫn cao hơn các nước trong khu vực như Trung Quốc (4,5%), Indonesia (5,1%), Thái Lan (3%) và Malaysia (4,4%).
Theo IMF, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 6,1% trong năm 2025, cao hơn so với nhiều nước trong khu vực. Ảnh minh họa: Báo Điện tử Chính phủ. |
IMF cũng dự báo giá tiêu dùng của Việt Nam sẽ tăng 3,5% trong năm 2025, giảm 0,6% so với năm 2024. Về tỷ lệ thất nghiệp, IMF cũng dự báo Việt Nam có sự sụt giảm nhẹ, từ 2,1% trong năm 2024 xuống 2% trong năm 2025.
Nhìn tổng quát, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến đạt 3,2% vào năm 2025, không thay đổi so với dự báo vào tháng 7 vừa qua của tổ chức này. Ngược lại, tăng trưởng toàn cầu trong 5 năm tới dự kiến sẽ giảm xuống mức bình quân là 3,1% một năm, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng trước đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế đứng đầu tại IMF Pierre-Olivier Gourinchas, nền kinh tế toàn cầu đã đạt được "hạ cánh mềm", trong đó lạm phát nhìn chung đã hạ nhiệt mà không gia tăng tỉ lệ thất nghiệp. Trong một bài viết trên blog cá nhân, ông Gourinchas nhận định: "Nhìn chung cuộc chiến chống lạm phát toàn cầu đã giành thắng lợi, ngay cả khi áp lực giá cả vẫn còn tiếp diễn ở một số quốc gia".
Nhưng trong một buổi phỏng vấn với tờ Reuters, ông Gourinchas cho rằng có nguy cơ các chính sách tiền tệ khó có thể được nới lỏng nếu một số quốc gia không cắt giảm lãi suất sau khi lạm phát giảm. Ông khẳng định: "Điều này có thể gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế và vấn đề việc làm".
Ngoài ra, khi tính đến các rủi ro đối với triển vọng kinh tế toàn cầu, IMF đã cảnh báo về khả năng thuế quan và các biện pháp trả đũa thương mại tăng trưởng mạnh trong năm 2025, nhưng không đề cập trực tiếp đến những tuyên bố gần đây của ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp đặt thuế quan 10% đối với hàng nhập khẩu toàn cầu vào Mỹ, và 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc.
Thay vào đó, báo cáo IMF đã đưa ra một số kịch bản bất lợi cho nền kinh tế toàn cầu như: Thuế quan song phương giữa Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc tăng 10%; Thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu tăng 10%; số lượng người di cư vào Mỹ và châu Âu sụt giảm; cùng một thị trường tài chính toàn cầu “hỗn loạn”. Nếu tất cả những “kịch bản” trên xảy ra, IMF dự đoán tổng mức sản lượng GDP toàn cầu sẽ giảm 0,8% vào năm 2025 và giảm 1,3% vào năm 2026.