Đỗ Thành Nhân đã thao túng giá cổ phiếu BII, TGG như thế nào? Mở lại phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch Louis Holdings Đỗ Thành Nhân và đồng phạm |
Kê biên tài sản và cổ phần các bị cáo
Hôm nay (8/5), Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã đưa ông Đỗ Thành Nhân (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Louis Holdings, thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Louis Capital và Công ty Cổ phần Louis Land) ra xét xử tội 'Thao túng thị trường chứng khoán'.
Cùng tội danh trên, các bị cáo khác cũng phải hầu tòa. Tại Công ty Cổ phần Louis Holdings có 4 người: Đỗ Thành Nhân (Chủ tịch HĐQT); Ngô Thục Vũ (Phó tổng giám đốc); Vũ Ngọc Long (cựu Phó tổng giám đốc); Trịnh Thị Thúy Linh (Giám đốc hành chính). Về phía Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt có 4 người: Phạm Thanh Tùng (Chủ tịch HĐQT); Đỗ Đức Nam (Tổng giám đốc); Lê Thị Thu Hương (Phó tổng giám đốc); Lê Thị Thùy Liên (nhân viên). Đặc biệt, riêng bị cáo Tùng còn là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt.
Tại tòa, các luật sư đề nghị mời đến tòa các ông Nguyễn Văn Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Bảo Thư); Nguyễn Hồ Hưng (Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư và Xây dựng Trường Giang) và một số Chủ tịch HĐQT các công ty khác. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử cho rằng, phiên tòa diễn ra dài ngày, nếu cần sẽ triệu tập để lấy lời khai sau.
Theo cáo buộc, ông Nhân và các đồng phạm đã có hành vi thao túng thị trường chứng khoán, tạo ra cung, cầu giả tạo và tạo ra mức giá đóng cửa mới cho cổ phiếu mã BII và TGG. Sau đó, các bị cáo bán các cổ phiếu này khi ở vùng giá cao và thu lợi bất chính hơn 154 tỷ đồng.
Liên quan vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã thu giữ hơn 6,4 tỷ đồng tiền nộp khắc phục hậu quả cho các bị cáo Đỗ Thành Nhân, Đỗ Đức Nam, Trịnh Thị Thúy Linh và Lê Thị Thu Hương. Trong đó, gia đình ông Đỗ Thành Nhân đã nộp hơn 4 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng đã ra lệnh kê biên tài sản và ngăn chặn giao dịch là các cổ phần thuộc sở hữu của các bị cáo. Cụ thể, ông Đỗ Thành Nhân bị kê biên hơn 37 triệu cổ phần (tỷ lệ 36,66%) sở hữu tại Công ty Louis Holdings; hơn 1,4 triệu cổ phần (tỷ lệ 59,18%) sở hữu tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Louis Trade Center; hơn 1,3 triệu cổ phần (tỷ lệ 12,26%) tại Công ty Cổ phần Quản lý và khai thác Louis AMC.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng đã có các văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phong tỏa tài khoản chứng khoán của 8 bị cáo. Đồng thời, đề nghị Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước rà soát, ngăn chặn giao dịch các tài khoản ngân hàng, phong tỏa tài khoản chứng khoán và đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố liên quan rà soát và ngăn chặn giao dịch liên quan sở hữu bất động sản của 8 bị cáo.
Để thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán, ông Đỗ Thành Nhân đã đăng ký mở một tài khoản chứng khoán tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Beta, một tài khoản chứng khoán tại Công ty Chứng khoán Trí Việt. Bên cạnh đó, ông Nhân còn lônhờ bà Hà Nguyễn Uyên (vợ cũ); Ngô Thị Hoài Thanh (em vợ), Ngô Thị Hoài Thương (chị vợ) và nhiều người khác mở tài khoản chứng khoán tại Công ty Chứng khoán Trí Việt để sử dụng thực hiện giao dịch mua, bán thao túng thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu mã BII, TGG.
Đối với các cá nhân, pháp nhân đứng tên tài khoản chứng khoán là những nhân viên, người nhà có quan hệ lệ thuộc ông Đỗ Thành Nhân, thực hiện theo yêu cầu. Họ không biết và không ý thức được việc làm nêu trên của mình là giúp sức cho các bị cáo phạm tội, không vì động cơ vụ lợi, không được hưởng lợi, khai báo thành khẩn nên cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cho mượn tài khoản chứng khoán dẫn đến hành vi thao túng chứng khoán.
Các bị cáo tại phiên tòa (ảnh: TN) |
Vai trò của Công ty Chứng khoán Trí Việt
Liên quan hành vi thao túng chứng khoán của Chủ tịch Louis Holdings còn có vai trò giúp sức từ các bị cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt. Đặc biệt là Chủ tịch HĐQT Phạm Thanh Tùng và Tổng giám đốc Đỗ Đức Nam.
Theo điều tra, ông Nam thừa nhận có cấu kết với ông Nhân trong việc "thổi giá" 2 mã cổ phiếu BII và TGG. Khi giải quyết cho nhóm ông Nhân vay tiền, ông Nam đều báo cáo và được ông Tùng đồng ý.
Còn ông Tùng chỉ thừa nhận Công ty Cổ phần Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt cho nhóm ông Nhân vay hơn 748 tỉ đồng để mua cổ phiếu BII và TGG, thu lãi hơn 14 tỉ đồng. Ông Tùng cho rằng không biết và không chỉ đạo cho nhóm ông Nhân vay để thao túng cổ phiếu.
Tuy nhiên, cơ quan quan tố tụng đã khẳng định ông Tùng biết rõ việc cho nhóm bị cáo Nhân vay tiền là để mua bán, thao túng cổ phiếu. Thậm chí, khi báo chí đưa tin có dấu hiệu bất thường về 2 mã BII và TGG, ông Tùng chỉ đạo nhân viên làm việc với báo chí để xử lý. Sau đó, ông Tùng đã chỉ đạo tiếp tục cho vay nhưng chia nhỏ các khoản vay để tránh bị phát hiện.
Đến cuối năm 2021, khi biết thông tin cơ quan quản lý nhà nước sẽ kiểm tra, thanh tra hoạt động của Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt và Công ty Cổ phần Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt, bị cáo còn chỉ đạo thay toàn bộ ổ cứng máy tính của công ty và xóa các tin nhắn có liên quan.
Liên quan đến trách nhiệm của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) cùng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, kết quả điều tra xác định HNX và HoSE đã theo dõi, giám sát và phát hiện các dấu hiệu bất thường trong việc giao dịch cổ phiếu BII, TGG và đã có các văn bản báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để thực hiện việc thanh tra, kiểm tra.
Cơ quan điều tra chưa có căn cứ để xác định sai phạm của các cá nhân tại HNX, HoSE và Ủy ban chứng khoán Nhà nước liên quan đến việc kiểm tra, giám sát đối với cổ phiếu mã BII, TGG nên không có căn cứ xem xét xử lý.