Theo đó, triển lãm Computex 2024 - sự kiện quan trọng nhất của ngành công nghệ thông tin toàn cầu - bế mạc mới đây ở Đài Bắc (Trung Quốc) đã quy tụ các nhà sản xuất máy tính nổi tiếng nhất thế giới, cùng một số lượng lớn chưa từng có giám đốc điều hành của các nhà sản xuất chip làm diễn giả chính. Chủ đề của lần triển lãm này là trí tuệ nhân tạo (AI), tính bền vững của năng lượng xanh và đổi mới sáng tạo, trong đó đặc biệt nhấn mạnh về sự khởi đầu của kỷ nguyên chip tiến trình 3 nanomet (nm) trong AI.
Mục tiêu trong chính sách công nghệ của Chính quyền ông Biden - cách tiếp cận “vườn nhỏ, rào cao” - là cản trở và làm tê liệt Trung Quốc phát triển loại công nghệ chip tiên tiến. Bằng cách này, Washington tìm cách ngăn chặn tiến trình phát triển năng lực AI và máy tính hiệu năng cao của Bắc Kinh, nhờ đó “câu giờ” để Mỹ và các nước đồng minh mở rộng vị thế dẫn đầu trong công nghệ tiên tiến. Nhưng cho đến nay, các biện pháp này chưa đạt được nhiều thành công.
4 phản ứng của Trung Quốc
Do các lệnh trừng phạt của Mỹ, Trung Quốc đã đối mặt với các thách thức lớn trong quá trình sản xuất chip tiên tiến. Để giải quyết các thách thức trong việc có được chip AI, Trung Quốc đã phản ứng bằng 4 cách: dự trữ một lượng lớn chip AI; nâng cấp quy trình gia công và công cụ thiết kế chip; nhập chip thông qua bên thứ ba; sử dụng dịch vụ AI nước ngoài.
Các công ty Trung Quốc được cho đã tìm ra kẽ hở cho phép họ tiếp cận với các công nghệ vốn bị Chính quyền Tổng thống Biden nỗ lực cản trở. Ảnh: Shutterstock |
Trước khi Mỹ áp đặt các hạn chế xuất khẩu chip AI đối với Trung Quốc vào ngày 7/10/2022, các công ty AI lớn và nhà cung cấp dịch vụ đám mây của Trung Quốc đã tích trữ hoặc đặt hàng một lượng đáng kể chip AI.
Mặc dù vẫn chưa rõ số lượng chip được chuyển tới Trung Quốc trên thực tế, nhưng nước này nhiều khả năng đã có đủ chip để phát triển các mô hình AI cần thiết cho đến cuối năm 2024. Để kéo dài thời hạn của nguồn cung chip tiên tiến, Trung Quốc tập trung sử dụng chip tiên tiến cho việc đào tạo mô hình, vốn đòi hỏi hiệu năng tính toán cao nhất.
Vì các hạn chế xuất khẩu của Mỹ, các công ty chip nước này không thể xuất khẩu bộ xử lý đồ họa sang Trung Quốc. Do đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình thường xuyên kêu gọi “tự lực” trong nguồn cung chip, cũng như “độc lập và duy trì quyền kiểm soát” trong tiến bộ công nghệ. Trung Quốc gần đây đã phân bổ thêm 48 tỷ USD với mục tiêu tăng cường năng lực sản xuất chip trong nước, bất chấp tình trạng tham nhũng từng bị phát hiện trong các quỹ chip trước đó, với tổng số tiền lên tới 50 tỷ USD.
Mặc dù không đạt được kết quả như mong đợi, nhưng các nỗ lực trước đây đã mang lại một số bước tiến. Hiện nay, Trung Quốc đã có nhiều nhà sản xuất chip AI trong nước, có thể kể đến Hisilicon với Ascend 910B (7 nm) và Kunpeng-920 (7 nm), Baidu với Kunlun thế hệ 2 (7 nm), Alibaba với T-head (12 nm), Tencent với Zixiao (12 nm), Taishan với V120 (7 nm). Bộ chip AI mới của Hisilicon đã nổi lên như một giải pháp thay thế khả thi cho chip của các công ty Mỹ.
Trước đây, chip do Trung Quốc sản xuất tụt hậu so với các đối thủ phương Tây về hiệu suất và tính ổn định, làm cản trở sự phát triển của các mô hình AI quy mô lớn ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nước này vẫn có thể xây dựng mô hình bằng cách tập hợp nhiều chip lại với nhau.
Ngoài ra, Trung Quốc trợ cấp cho các công ty nhỏ thiết kế chip, cho phép các công ty này thiết kế chip AI đơn nhiệm cho nhiều mục đích đa dạng. Những chip này chỉ có thể được sản xuất trong nước dựa trên tiến trình 7 nm của Tập đoàn sản xuất chất bán dẫn quốc tế (SMIC) thuộc Trung Quốc. Tuy nhiên, vì nhu cầu của Huawei chiếm toàn bộ năng lực sản xuất hạn chế của SMIC, nên một số công ty thiết kế mạch tích hợp buộc phải hạ phiên bản của bộ xử lý và tìm kiếm sự trợ giúp của Tập đoàn sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC).
Giống như trong tình huống phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt để cản trở Nga tiếp cận linh kiện lưỡng dụng, nhập khẩu từ bên thứ ba cũng trở thành kẽ hở trong các hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn đối với Trung Quốc. Tháng 10/2022, Cục công nghiệp và an ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ đã cấm xuất khẩu chip A100 và H100 của Nvidia sang Trung Quốc.
Lệnh cấm này đã mở rộng sang chip A800 và H800 trong năm 2023. Tuy nhiên, các hạn chế này không đạt được kết quả như mong đợi. Một số chip vẫn được bí mật nhập khẩu vào Trung Quốc thông qua các công ty ma. Đây là lý do Chính phủ Mỹ lo ngại về việc Trung Đông mua chip với số lượng lớn. Mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy Chính phủ Trung Quốc dính líu đến việc tạo điều kiện cho buôn lậu, nhưng cũng không thể loại trừ khả năng này.
Một cách tiếp cận khác để các công ty Trung Quốc “lách” các hạn chế là thuê các dịch vụ đám mây đặt tại Mỹ. Chính phủ Mỹ vẫn chưa đưa ra bất kỳ biện pháp hiệu quả nào để giải quyết lỗ hổng này. Ngay cả khi lỗ hổng này đã được khắc phục, vẫn không rõ liệu các công ty AI Trung Quốc có khả năng sử dụng dịch vụ đám mây của các bên khác, như châu Âu hay Trung Đông không.
Triển vọng của Trung Quốc trong chip AI
Kết quả chỉ ra rằng chính sách “sân nhỏ, rào cao” của Chính quyền ông Biden đã gây ra không ít thách thức cho Trung Quốc trong việc có được chip AI tiên tiến. Ví dụ, TSMC đã bắt đầu sản xuất chất bán dẫn 16 nm vào năm 2015, trong khi Huawei bắt đầu sản xuất chất bán dẫn 14 nm vào năm 2019, với khoảng cách 4 năm. TSMC bắt đầu sản xuất chip 7 nm vào năm 2018 và SMIC bắt đầu vào năm 2023, với khoảng cách 5 năm.
Tuy nhiên, xét tới nhiều trở ngại do Chính quyền ông Biden đặt ra trong thiết kế, sản xuất và nhân lực, thì tác động của chính sách này trong việc nới rộng khoảng cách công nghệ giữa Trung Quốc và phương Tây là không đáng kể, đặc biệt khi chính sách này không thể kìm hãm tham vọng của Trung Quốc trong việc đạt được các bước tiến về tiến trình sản xuất chất bán dẫn vượt mốc 7 nm.
Nếu Trung Quốc đã bắt đầu sản xuất chip 5 nm như các phương tiện truyền thông đưa tin, thì hàng rào này đã bị phá vỡ. Điểm yếu duy nhất còn lại của Trung Quốc là giá thành chip 7 nm sản xuất trong nước còn cao, về lâu dài sẽ không khả thi về mặt thương mại nếu không có trợ cấp từ Chính phủ Trung Quốc.