Các DN Nhật Bản tìm cơ hội xúc tiến thương mại, đầu tư trong ngành nông nghiệp tại Cần Thơ |
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, hiện TP có 3 chuỗi giá trị sản xuất nông sản chính là lúa, thủy sản và cây ăn trái. Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ hình thành các tiểu vùng nông nghiệp đặc trưng sản xuất lương thực, thực phẩm ứng dụng công nghệ cao; vùng cây ăn trái đặc sản kết hợp với du lịch; vùng sản xuất cây con giống phục vụ cho TP và các tỉnh thành trong khu vực. Để nâng cao năng suất, giảm tối đa tác động đến môi trường sản xuất, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân áp dụng mô hình như cánh đồng lớn, hạn chế sử dụng dư lượng thuốc trừ sâu. Đối với thủy sản và cây ăn trái cũng tập huấn cho nông dân biết quy trình làm các chứng nhận như VietGAP, GlobalGAP để có sản phẩm an toàn bán trên thị trường hoặc xuất khẩu.
Ông Yazuzumi Hirotaka - Giám đốc điều hành Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TP.Hồ Chí Minh - cho biết nhiều địa phương của Nhật Bản có nét tương đồng với ĐBSCL về thổ nhưỡng, phát triển kinh tế nông nghiệp là chủ đạo. Trong quá trình công nghiệp hóa nền nông nghiệp, Nhật Bản nhận thấy chỉ có tập trung ứng dụng công nghệ cao vào cải tiến máy móc nông nghiệp, cây giống và phân bón thì nền nông nghiệp mới có thể phát triển bền vững theo hướng xanh, sạch và thân thiện với môi trường.
Các máy móc được phía Nhật Bản giới thiệu lần này là máy thu hoạch, đóng gói liên hợp, máy sấy khô thực phẩm, các thiết bị làm vườn, hệ thống nhà kính.... Các giống cây năng suất cao, thời gian tăng trưởng ngắn, tính thích ứng thổ nhưỡng địa phương cao. Bên cạnh đó, còn có thuốc bảo vệ thực vật, phân bón làm từ các thành phần thiên nhiên không hại sức khỏe người tiêu dùng từ các công ty như Flora, Tokan, Asahi...
Theo các doanh nghiệp Nhật Bản, thông qua hoạt động kết nối này các tỉnh, thành vùng ĐBSCL có thể mở rộng thị trường, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, từng bước nâng cao giá trị gia tăng, đưa nông sản ĐBSCL khẳng định vị thế trên thị trường thế giới.
Tuy nhiên, ông Yazuzumi Hirotaka cũng cho biết thêm ngành nông nghiệp của vùng cần có cải tổ để người nông dân thực sự là đối tượng hưởng lợi khi DN Nhật Bản đến đây đầu tư, tránh tình trạng thương lái thu gom nông sản giá rẻ làm rối loạn thị trường, hay bán phân, thuốc bảo vệ thực vật chưa qua kiểm định cho nông dân gây ô nhiễm môi trường.
Ông Võ Thành Thống - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ - khẳng định Cần Thơ mong muốn Nhật Bản hỗ trợ và chuyển giao thành tựu khoa học tiên tiến của Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp để mang lại lợi ích thiết thực nhất cho nông dân vùng ĐBSCL nói chung và Cần Thơ nói riêng với vai trò thành phố trung tâm của vùng. Ngoài ra, việc thực hiện hợp tác kinh tế song phương Việt Nam - Nhật Bản và Hiệp định TPP cũng sẽ mở ra cơ hội cho sản phẩm nông nghiệp của ĐBSCL tiếp cận với thị trường này.