Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc diễn đàn |
Phát biểu tại diễn đàn, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân -cho biết: TP. Hồ Chí Minh đang hướng đến việc xây dựng thành phố là đô thị đặc biệt đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đóng góp ngày càng lớn hơn với khu vực và cả nước; từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Để làm được điều này, thành phố cần đẩy mạnh được nền công nghiệp sáng tạo.
Tuy nhiên, với thu nhập thấp thì có thể thúc đẩy công nghiệp sáng tạo được không? Có phải dân đông thì mới làm được khởi nghiệp sáng tạo? Dẫn chứng sự thành công của Israel và một số nước khác, ông Nhân cho rằng, TP. Hồ Chí Minh và Việt Nam có thể khởi nghiệp sáng tạo thành công được, nhưng phải có phương thức hỗ trợ, phải hình thành hệ sinh thái sáng tạo khởi nghiệp, kết nối trong nước và ngoài nước, cả yếu tố văn hóa, giáo dục cũng rất quan trọng.
Hàng trăm doanh nghiệp, giới startup tham dự diễn đàn |
Liên quan đến các hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST) của TP. Hồ Chí Minh trong thời gian qua, ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh -cho biết: Thành phố hiện có trên 760 nhóm cá nhân/tổ chức khởi nghiệp ĐMST đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực, chiếm hơn 42% số lượng startup cả nước. Có hơn 46% tương tương 350 startup đã và đang tham gia chương trình hỗ trợ của các tổ chức khởi nghiệp ĐMST, trong đó 222 startup (chiếm 63%) đã và đang được sự hỗ trợ ươm tạo tại các cơ sở ươm tạo của nhà nước trong giai đoạn từ 2011 đến nay. Có 49% startup tìm được nhà tài trợ và đầu tư, trong đó khoảng 70% đang trong giai đoạn gọi vốn.
Mặc dù vậy, ông Phùng nhìn nhận rằng hệ sinh thái ĐMST của TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa đủ sự kết nối cộng đồng sinh thái giữa các thành phần của sự phát triển. Trong một cuộc nghiên cứu về ĐMST của DN Việt Nam, kết quả cho thấy, DN Việt Nam có quan tâm đến ĐMST nhưng chủ yếu để phục vụ cho mục tiêu ngắn hạn. ĐMST hiện chủ yếu mang tính cải tiến, ít phát triển sản phẩm, dịch vụ mới cung ứng cho thị trường. Đa phần DN được được nghiên cứu chưa đầu tư nhiều vào bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D). Vì thế, khi có ý tưởng về sản phẩm mới lại không có nguồn lực để thực hiện.
Bên cạnh đó, việc đăng ký sở hữu trí tuệ vẫn chưa được DN ĐMST (startup) quan tâm. Điển hình như trong 30 dự án được xét duyệt thành công của chương trình Speedup 2017 chỉ có 20% dự án nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu tri tuệ. Ngoài ra, các tổ chức hỗ trở khởi nghiệp ĐMTS chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thương mại điện tử, công nghệ thông tin do lĩnh vực này chi phí đầu tư không lớn, thời gian ươm tạo ngắn, có khả năng thu hồi vốn và thoái vốn nhanh.
Các doanh nghiệp trao đổi về những dự án khởi nghiệp đang thực hiện |
Chia sẻ kinh nghiệm từ Israel, ông Shlomo Nimrodi, Giám đốc Điều hành Trung tâm gắn kết kinh doanh Ramot thuộc Đại học Tel Aviv- cho biết, Đại học Tel Aviv đã hình thành hệ sinh thái với các tổ chức tài chính, các công ty đa quốc gia, các trung tâm đổi mới; đồng thời sáng lập và quản lý nhiều quỹ khác nhau để hỗ trợ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của mình.
Theo ông, các quỹ đầu tư thường tập trung vào những công nghệ tiềm năng có tính đột phá của Đại học Tel Aviv trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Vì thế, Ramot hiện có nhiều hình thức hợp tác khả thi như tài trợ nghiên cứu, đồng nghiên cứu về một công nghệ cụ thể, hợp tác trên diện rộng để đồng bộ hóa một số công nghệ hàng đầu phù hợp với năng lực của DN.
Để thúc đẩy khởi nghiệp phát triển, thành phố HCM đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch như: Chương trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và nâng cao tiềm lực hoa học và công nghệ giai đoạn 2016-2020; Chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa ĐMST, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016… với nhiều giải pháp gắn kết bền vững mối quan hệ giữa DN, trường-viện, nhà nước, tổ chức tài chính và cộng đồng khởi nghiệp… Từ đó góp phần phát triển hệ sinh thái ĐMST của thành phố có sức lan tỏa mạnh từ cộng đồng DN đến cộng đồng xã hội. |