Triển khai Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị: Nét mới trong lãnh đạo phát triển kinh tế của Đảng |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy,….
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (Ảnh: Thông tấn xã) |
Hội nghị nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước cũng như trong vùng nhằm sớm đưa Nghị quyết quan trọng này vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển vùng. Hội nghị khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, mở đường cho những cơ chế chính sách mới để phát triển vùng. Đây là Hội nghị toàn quốc đầu tiên để quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng. Theo chương trình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, đầu cầu trực tiếp ở Thủ đô Hà Nội sẽ có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Ban Thường vụ các tỉnh trong vùng. Hội nghị được kết nối từ trung ương đến các điểm cầu cấp tỉnh, cấp huyện và cơ sở.
Ảnh Chinhphu.vn |
Tại Bộ Công Thương, thực hiện chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương, Đảng ủy Bộ Công Thương tổ chức hội nghị trực tuyến kết nối từ điểm cầu chính của Văn phòng Trung ương Đảng.
Dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo Bộ Công Thương, các đồng chí ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Bộ Công Thương, Bí thư (Phó bí thư) các đảng bộ, chi bộ trực thuộc Đảng bộ Bộ Công Thương; các đồng chí lãnh đạo các đơn vị, cán bộ chủ chốt các tổng cục, cục, vụ, viện…và các đơn vị; lãnh đạo các tổ chức đoàn thể…
Đại diện một số bộ, ngành, địa phương phát biểu tham luận tại hội nghị.
Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam |
Theo thông tin từ Ban Kinh tế Trung ương, sau 17 năm triển khai Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020, bên cạnh những thành tựu to lớn đạt được, vùng này vẫn là vùng trũng về phát triển và “lõi nghèo” của cả nước.
Việc Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới về vùng sẽ mở đường cho chính sách mới và những cơ chế chính sách này giúp thu hút nguồn lực để cho phát triển của vùng trong giai đoạn tới.
Hiện nay, nước ta được phân thành sáu vùng kinh tế - xã hội gồm: (1) Vùng trung du và miền núi phía bắc (14 tỉnh), bao gồm tiểu vùng Đông Bắc (10 tỉnh là Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang) và Tiểu vùng Tây Bắc (gồm 4 tỉnh là Hòa Bình, Sơn La, Điên Biên, Lai Châu). (2).Vùng đồng bằng sông Hồng (11 tỉnh, thành phố); (3) Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (14 tỉnh, thành phố); (4)Vùng Tây Nguyên (05 tỉnh); (5) Vùng Đông Nam bộ (06 tỉnh, thành phố) và (6) Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh, thành phố). |