Khẩn trương ứng phó với bão số 4 đang di chuyển nhanh vào bờ |
Cập nhật tình hình bão số 4, TS Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia cho biết: Đêm 14/8, sau khi bão di chuyển theo hướng Đông với tốc độ 5 km/giờ thì đến nay, bão đã di chuyển theo hướng Tây và hướng thẳng vào các tỉnh Quảng Ninh - Nghệ An. Hiện nay bão đang cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 370km. Sức gió cấp 9, giật cấp 11, bão đã tăng nửa cấp và di chuyển nhanh hơn. Bão sẽ duy trì trên cấp 8 khi vào Vịnh Bắc bộ. Sau khi vào Vịnh Bắc bộ, bão sẽ di chuyển theo hướng Tây Tây Nam ảnh hưởng tới các tỉnh Bắc bộ, Bắc Trung bộ. Trong 48 giờ tới, tức sáng thứ 6 (17/8) tâm bão sẽ đi vào đất liền. Quan ngại nhất đối với cơn bão này là lượng mưa lớn và hoàn lưu sau bão. Trọng điểm mưa là Đông Bắc, đồng bằng Bắc bộ và Bắc miền Trung. Lượng mưa khoảng 250mm-350mm/cả đợt.
Tâm bão số 4 đang ở vị trí ngang với Quảng Ninh - Hải Phòng, cách bờ khoảng 420km, gió mạnh cấp 9, giất cấp 11. Khoảng 10 giờ ngày 17/8 (thứ sáu) tâm bão sẽ đổ bộ vào đất liền từ Hải Phòng đến Nghệ An. |
Theo TS Hoàng Đức Cường, điểm nguy hiểm chết người của cơn bão là có hướng đi vòng vèo nhất từ đầu mùa. Chính vì mưa lớn nên cảnh báo ngập úng các vùng trũng, thấp tại vùng đồng bằng Bắc bộ. Bên cạnh đó, ông Hoàng Đức Cường cũng cảnh báo mực nước lũ ở Chương Mỹ (Hà Nội) có thể ở mức báo động 2-3, gây ngập úng song mức độ không bằng đợt lũ vào trung tuần tháng 7. “Các tỉnh Hoà Bình, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thanh Hoá, Nghệ An cần đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất”, ông Hoàng Đức Cường nêu rõ.
Đồng tình với nhận định trên, ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai - cho hay, những vùng mưa to đến rất to là nơi đã xảy ra mưa lũ trước đó nên rất dễ bị tổn thương, nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất rất cao.
Ông Hoài cho biết thêm, hiện nay vẫn còn trên 5.000 phương tiện tàu thuyền từ Quảng Ninh đến Quảng Bình đang hoạt động trên biển. Chưa có tỉnh nào tiến hành cấm biển. Các tỉnh cần chủ động cấm biển tuỳ tình hình, đảm bảo an toàn cho khách du lịch tại các tỉnh có đông khách du lịch như tỉnh Quảng Ninh. Bên cạnh đó, cần khẩn trương kiểm tra rà soát các hồ chứa, cấm biển, có lực lượng trực tại các điểm nguy cơ xảy ra sạt lở để đảm bảo an toàn về tài sản và người.
Về hệ thống đê điều, cần triển khai tuần tra canh gác đối với các điểm xung yếu, đặc biệt 106 điểm xung yếu vừa qua. Đối với hồ chứa thuỷ điện, hồ Sơn La đã mở 1 cửa xả, hồ Hoà Bình mở 3 cửa, hồ Tuyên Quang mở 1 cửa xả. Các hồ chứa sẽ được theo dõi chặt chẽ đến 11 giờ trưa mai sẽ có điều chỉnh các cửa xả tuỳ tình hình.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường - Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, đây là cơn bão đặc biệt, hình thành hơn 10 ngày qua. Cơn bão đi rất phức tạp, đường đi, hướng phát triển cũng rất phức tạp. Bão đang mạnh lên, nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng, không quyết tâm phòng chống bão trên phạm vi rộng thì có thể sẽ lĩnh hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt, có thể ảnh hưởng tới các vùng kinh tế, du lịch lớn như: Quang Ninh, Hải Phòng…
Hơn nữa, theo dự báo hoàn lưu mưa rất rộng. Do đó, không được chủ quan kể cả khi bão được dự báo cấp 9. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị, đối với tuyến biển, yêu cầu các tỉnh trọng điểm cấm biển tuỳ tình hình, tỉnh nào đang gần cơn bão nhất cấm biển trước. Hiện đang là mùa du lịch, vì vậy các tỉnh phải có giải pháp đảm bảo an toàn nhất cho khách du lịch. Đồng thời thông báo cho tất cả tàu thuyền được biết về bão số 4.
Đối với vùng đất liền, cần đề phòng sạt lở nguy hiểm ở các tỉnh miền núi phía Bắc, đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Những nơi nguy cơ phải sơ tán dân cưỡng bức. Đối các hồ thuỷ điện, thuỷ lợi, yêu cầu phân công người vận hành túc trực tại các điểm xung yếu.