Khẩn trương xây dựng Chiến lược truyền thông về năng lượng bền vững tại Việt Nam
Bảo đảm các chủ trương về năng lượng bền vữngđược lan toả đến đông đảo các đối tượng từ cơ qua nhà nước đến người dân, doanh nghiệp là chủ đề chính của hội thảo.
Hội thảo do Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - Bộ Công Thương phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Chương trình Năng lượng Phát thải thấp Việt Nam II (V-LEEP II) tổ chức.
Là một phần trong gói hỗ trợ kỹ thuật của V-LEEP II, USAID đang hỗ trợ Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững triển khai nghiên cứu và đưa ra các kiến nghị cho dự thảo Chiến lược truyền thông về năng lượng bền vững, trên cơ sở rà soát và cập nhật các chính sách liên quan đến phát triển năng lượng, tận dụng kinh nghiệm và kết quả cũng như khắc phục những hạn chế trong quá trình triển khai hoạt động truyền thông trong những năm qua.
Quang cảnh hội thảo |
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững phát biểu tại hội thảo |
Nghị quyết 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã chỉ ra nhiều hạn chế của ngành năng lượng, và một trong các nguyên nhân đó là nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của ngành năng lượng và mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia còn chưa đẩy đủ, chưa được quan tâm đúng mức.
Bên cạnh các mục tiêu phát triển ngành năng lượng nhằm đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia cho phát triển kinh tế xã hội, Việt Nam cũng đặt ra mục tiêu và cam kết đạt được phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) tại Hội nghị COP26, cũng như Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật qua các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của các ngành, lĩnh vực. Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW.
Bộ Công Thương cũng đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong đó đề ra các nhiệm vụ về tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, nâng cao năng lực triển khai các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
Theo đó, mục tiêu của Kế hoạch là năm 2030, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% và 25 - 30% vào năm 2045, phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực sản xuất điện khoảng 42 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2050. Bên cạnh đó, thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng tăng trưởng xanh; trong đó, áp dụng giải pháp khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng.
Từ yêu cầu đó, việc xây dựng một chiến lược truyền thông tổng thể về phát triển năng lượng bền vững là hết sức cần thiết, khẳng định tầm quan trọng của truyền thông về chính sách năng lượng, đưa ra định hướng cho các hoạt động truyền thông của ngành năng lượng thuộc lĩnh vực Bộ Công Thương quản lý, thúc đẩy truyền thông về phát triển năng lượng bền vững theo hướng chuyên nghiệp, đồng bộ, và hiệu quả hơn.
“Hội thảo hôm nay là cơ hội để các bên liên quan chia sẻ ý kiến và góp ý cho bản Dự thảo Chiến lược để hoàn thiện và trình lãnh đạo Bộ Công Thương”, ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững nhấn mạnh.
Trao đổi giữa các chuyên gia |
Mục tiêu của Chiến lược là bảo đảm các chủ trương, chính sách, quy định về năng lượng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Công Thương được phổ biến đến các đối tượng mục tiêu kịp thời, chính xác thông qua các hình thức truyền thông đa dạng; nâng cao nhận thức về trách nhiệm của các cấp, ngành, doanh nghiệp, người dân về thực hiện các chính sách, kế hoạch và giải pháp phát triển ngành năng lượng bền vững của Việt Nam; thúc đẩy quá trình xây dựng, ban hành, phê duyệt các chính sách, chương trình, dự án của các cơ quan có liên quan đến các nhiệm vụ của Bộ (chuyển đổi năng lượng, phát triển các nguồn cung năng lượng sơ cấp, phát triển ngành điện, sử dụng năng lượng tiết kiệmhiệu quả, bảo vệ môi trường ngành năng lượng…); bảo đảm các chính sách, chương trình, dự án do Bộ chủ trì xây dựng được truyền thông, lấy ý kiến các bên có liên quan công khai, minh bạch; phòng ngừa và giải quyết khủng hoảng truyền thông.
Tại hội thảo ông Phạm Hoàng Lương - Thành viên nhóm chuyên gia xây dựng chiến lựơc truyền thông nhấn mạnh các nội dung quan trọng của Chiến lược. Thứ nhất là nâng cao nhận thức chung/cơ bản về năng lượng bền vững (về công nghệ, cơ chế chính sách và công cụ tài chính nhằm thúc đẩy RE, EE); thứ hai là nâng cao nhận thức về cơ hội phát triển và thách thức đối với cộng đồng và doanh nghiệp trong bối cảnh năng lượng bền vững (ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo tăng trưởng xanh); thứ ba là nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ/giải pháp về năng lượng bền vững đã được nhận dạng và đề xuất theo từng giai đoạn trước mắt, trung hạn và dài hạn.