Lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm tại trường học Khánh Hòa ghi nhận thêm 1 vụ nghi ngộ độc khiến 28 học sinh nhập viện |
Các học sinh đều ăn món gà chiên
Ngày 15/4, Sở Y tế Khánh Hoà phát đi thông báo kết luận điều tra vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trước trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (TP. Nha Trang), khiến 12 học sinh nhập viện ngày 30/3.
Cụ thể, khoảng 23h10 ngày 30/3, Sở Y tế nhận tin báo có các trường hợp là học sinh trường THPT Nguyễn Văn Trỗi nhập viện điều trị có triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm do sử dụng thức ăn đường phố bán trước cổng trường.
Ngành chức năng ghi nhận có 12 học sinh, với các triệu chứng lâm sàng chính như đau bụng, đi cầu phân lỏng, sốt, buồn nôn, nôn,... được các bệnh viện chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột, viêm dạ dày-ruột cấp, nhiễm trùng tiêu hóa, nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn. Trong đó, có 2 trường hợp có triệu chứng nhẹ được cho về theo dõi ngoại trú, còn 10 trường hợp phải nhập viện điều trị.
Qua khai thác thông tin, các học sinh khai báo có ăn thức ăn đường phố trước trường vào sáng, chiều ngày 28 - 29/3.
Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, TP. Nha Trang. Ảnh: T.B |
Qua điều tra, xác định có 3 cơ sở thức ăn đường phố bán đồ ăn, uống nghi gây ngộ độc cho học sinh tại vỉa hè số 32 Hàn Thuyên (TP. Nha Trang), đều có điểm chung là chế biến, nấu chín thực phẩm tại nhà, sau đó bỏ các loại thực phẩm như cơm gà, mì gà, nui gà… vào hộp nhựa, thùng giữ nhiệt có nắp đậy kín rồi đến trước trường Nguyễn Văn Trỗi để bán.
Sau khi phối hợp với trường học, phụ huynh học sinh và các cháu bị ngộ độc thực phẩm, để nhận diện người bán thức ăn đường phố bằng hình ảnh và vị trí bán hàng, cơ quan chức năng xác định cơ sở của bà Dương Thị Hoàng Oanh (46 tuổi, trú đường 2/4, phường Vạn Thắng) là cơ sở nguyên nhân gây ngộ độc.
Qua kiểm tra trong sáng 31/3, bà Oanh không có các giấy tờ liên quan đến việc kinh doanh thức ăn đường phố như: Hồ sơ khám sức khỏe, giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức ATTP, các hợp đồng và giấy tờ liên quan đến nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm. Đoàn điều tra chỉ lấy được mẫu bàn tay người chế biến thực phẩm, mẫu bề mặt dụng cụ chứa đựng thực phẩm và mẫu nước máy dùng để rửa dụng cụ.
Thời điểm kiểm tra cơ sở bà Oanh cũng không còn mẫu thức ăn đã chế biến và mẫu nguyên liệu thực phẩm của bữa ăn gây ngộ độc nên cơ quan chức năng không đủ cơ sở khoa học để xác định cụ thể thức ăn nào là thức ăn nguyên nhân.
Qua điều tra, ngành chức năng xác định bữa ăn do bà Oanh bán ra trong sáng, chiều ngày 28 - 29/3 là nguyên nhân khiến các học sinh nhập viện. Thức ăn nguyên nhân đa dạng như: Nui, mì ý, rau muống, dưa leo,... nhưng đều có món gà chiên và đa số sử dụng xốt trứng.
Được biết, mỗi ngày bà Oanh bán được từ 50-60 suất ăn vào buổi sáng và 30-40 suất ăn vào buổi chiều, gồm có cơm hoặc mì, gà chiên hoặc gà xé, dưa leo, xốt trứng đều tự làm.
Nguyên nhân nghi ngờ do vi sinh vật
Theo kết quả kiểm nghiệm mẫu của Viện Pasteur Nha Trang, mẫu bề mặt dụng cụ đựng thực phẩm tại cơ sở bà Dương Thị Hoàng Oanh phát hiện các loại vi khuẩn Salmonella spp. và vi khuẩn Escherichia coli.
Qua xét nghiệm mẫu phân của bệnh nhân, có 1 trường hợp cho ra dương tính với vi khuẩn Salmonella spp. Kết quả điều tra cũng cho thấy có đến 11/12 ca bệnh (chiếm 92%) có thời gian ủ bệnh từ 6-24 giờ, phù hợp với thời gian ủ bệnh do vi khuẩn.
Theo đó, Sở Y tế kết luận từ các thông tin trên về thời gian ủ bệnh và triệu chứng lâm sàng; kết quả mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân ngộ độc thực phẩm, có thể nhận định nguyên nhân nghi ngờ do vi sinh vật.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Khánh Hòa cũng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học phối hợp với chính quyền địa phương trong việc chấm dứt tình trạng buôn bán hàng rong khu vực các trường học. Tuyên truyền phụ huynh học sinh nhắc nhở con em mình tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đồng thời đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn nghiêm cấm việc sử dụng trái phép lòng đường, vỉa hè, hành lang, sân chung, lối đi chung, diện tích phụ chung để chế biến, sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố. Nghiêm cấm cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại (bao gồm bán hàng rong, bán quà vặt...) tại khu vực các trường học. Phối hợp chặt chẽ với các trường học để giám sát các khu vực trường học để không còn tình trạng người bán hàng rong..