Nâng cao năng lực kiểm nghiệm cho địa phương
Phát biểu tại hội nghị Khoa học Quốc tế Kiểm nghiệm Thực phẩm 2024 (diễn ra trong 2 ngày 24-25/10), Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: Việt Nam đang trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, vai trò của khoa học - công nghệ nói chung và khoa học kiểm nghiệm thực phẩm nói riêng là một trong những nhiệm vụ được các cấp/các ngành đặc biệt quan tâm.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trần Minh |
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, những năm gần đây, thực phẩm phong phú về chủng loại và đa dạng về mẫu mã lưu thông rộng rãi trên thị trường. Một số sản phẩm thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Cơ quan quản lý nhà nước đã đưa ra nhiều biện pháp tích cực nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm đồng thời chủ động phối hợp trong xây dựng quy định, chính sách pháp luật và đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý các cơ sở vi phạm quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Kiểm nghiệm thực phẩm đưa ra kết quả chính xác sẽ đáp ứng kịp thời yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý về an toàn thực phẩm.
Cho rằng hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm tại Việt Nam được đầu tư, tuy nhiên Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng nêu rõ, trang thiết bị hiện đại vẫn chủ yếu tập trung tại tuyến trung ương.
"Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đang tích cực nâng cao năng lực kiểm nghiệm đối với tuyến địa phương thông qua cải tạo cơ sở hạ tầng kỹ thuật, từng bước đầu tư trang thiết bị, chuyển giao công nghệ, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ…", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.
Vì thế, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đánh giá hội nghị lần này là cơ hội để các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nghiên cứu trong nước được tiếp cận với phương thức quản lý thực phẩm hiệu quả và phổ biến hiện nay trên thế giới là quản lý dựa trên nguy cơ.
"Đồng thời hội nghị cũng giúp triển khai các kỹ thuật kiểm nghiệm tiên tiến, xây dựng các phương pháp thử khó và mang tính chất phức tạp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Từ đó, dần giải quyết được tính phức tạp của mẫu thực phẩm ngày càng đa dạng hơn đang lưu thông trên thị trường", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói và khẳng định thêm trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn hiện nay, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đòi hỏi sự nỗ lực và vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương.
Xếp loại nguy cơ thực phẩm để phòng ngừa, giám sát phù hợp
Chia sẻ tại hội nghị, TS Nguyễn Thị Phúc - Nhóm An ninh Y tế và các tình trạng Y tế Công cộng khẩn cấp, Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam thông tin, trong năm 2010, thế giới có khoảng 600 triệu ca bệnh và 420.000 ca tử vong do 31 mối nguy thực phẩm gây ra. Trong đó, số các tác nhân truyền nhiễm gây ra tiêu chảy chiếm phần lớn các ca bệnh (550 triệu) và ca tử vong (230.000).
TS. Nguyễn Thị Phúc - Nhóm An ninh Y tế và các tình trạng Y tế Công cộng khẩn cấp, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam - phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trần Minh |
TS. Nguyễn Thị Phúc đã chỉ ra 31 mối nguy hiểm từ thực phẩm như: Novo virus, Campylobacter spp, Non-typhoidal S. enterica, Enteropathogenic E.coli (EPEC), Enterotoxigenic E. coli (ETEC)…
Bà Phúc cho rằng, trở ngại lớn trong việc giải quyết thỏa đáng các mối quan ngại về an toàn thực phẩm là thiếu dữ liệu chính xác về toàn bộ mức độ và chi phí của các bệnh do thực phẩm gây ra, trong khí đó các dữ liệu này rất cần thiết để nhà hoạch định chính sách đặt ra các ưu tiên về sức khỏe công cộng và phân bổ nguồn lực.
Theo TS. Trần Cao Sơn - Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh thực phẩm, phân tích nguy cơ là một quá trình nhằm xác định các mối nguy, xác lập các ảnh hưởng đối với sức khỏe, tìm các biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát và giảm thiểu nguy cơ, thông báo thông tin nhằm phòng tránh nguy cơ, phân loại các nguy cơ.
"Thực phẩm nào có nguy cơ cao nhất thì kiểm soát chặt nhất, việc xếp loại nguy cơ để từ đó chúng ta có biện pháp phòng ngừa, tần suất giám sát phù hợp. Tuy nhiên, thực tế, nghiên cứu đánh giá nguy cơ tại nước ta còn ít, mới chỉ tập trung vào mối nguy hóa học, mối nguy vi sinh đóng vai trò quan trọng thì ít nghiên cứu thực hiện", TS Sơn nói.
Vì thế, ông cho rằng, cần xây dựng và tạo điều kiện phát triển đơn vị đầu mối đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm, thiết lập hệ thống quản lý dữ liệu cho đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm, cũng như cơ chế chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức…
Cũng tại hội nghị, TS. Lars Niemann - Viện Đánh giá nguy cơ Liên bang Đức cho hay, hóa chất bảo vệ thực vật có các nhóm chính là chất diệt cỏ, chất diệt nấm, chất diệt côn trùng.
Theo đó, hóa chất bảo vệ thực vật được cho là có độc với các loài không phải mục tiêu, bao gồm cả con người và có thể gây ra tác động bất lợi đến môi trường và đa dạng sinh học. Chính vì vậy, hóa chất bảo vệ thực vật phải được quản lý nghiêm ngặt và đánh giá kỹ lưỡng về độc tính. Thai nhi, trẻ mới biết đi, trẻ em, thanh thiếu niên, người lớn (nam/nữ), phụ nữ mang thai, người già, người bệnh, người có nguy cơ đặc biệt… là những đối tượng cần bảo vệ khỏi hóa chất bảo vệ thực vật.
Trước sự phức tạp và đa dạng của các mối nguy an toàn thực phẩm trên, đòi hỏi các quốc gia cần phải có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm hiệu quả dựa trên bằng chứng khoa học và các dữ liệu nghiên cứu đáng tin cậy. Đánh giá nguy cơ là giải pháp khoa học được nhiều nước phát triển trên thế giới áp dụng và đã chứng minh hiệu quả, giúp cung cấp các bằng chứng khoa học cho công tác quản lý an toàn thực phẩm, góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng, tạo cơ sở cho việc mở rộng thương mại quốc tế về thực phẩm.
Tháng 7 vừa qua, Bộ Y tế đã phê duyệt Quyết định số 1936/QĐ-BYT về việc thành lập Trung tâm đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm thuộc Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia. Đây là Trung tâm đánh giá nguy cơ đầu tiên thuộc Bộ Y tế của Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm giúp cung cấp các bằng chứng khoa học cho cơ quan quản lý từ đó đề xuất các giải pháp quản lý nguy cơ và truyền thông nguy cơ hiệu quả, góp phần cải thiện hệ thống an toàn thực phẩm của quốc gia, giúp giảm thiểu ngộ độc thực phẩm, các bệnh do thực phẩm gây ra, thúc đẩy sự phát triển thương mại thực phẩm trong và ngoài nước. |