Nguồn hàng hóa thiết yếu với đời sống hoàn toàn được bảo đảm, không có hiện tượng khan hiếm |
Điều ghi nhận là các đơn vị hữu quan của Bộ Công Thương mà trực tiếp là Tổng cục Quản lý thị trường, Vụ Thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Công nghiệp, Vụ Kế hoạch, Văn phòng Bộ… đã sớm vào cuộc. Qua mỗi ngày lại thêm sự quyết liệt từ trước thời điểm Thủ tướng Chính phủ chính thức ký quyết định công bố dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona chủng mới. Thậm chí như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ, phương án các lãnh đạo Bộ Công Thương trực tiếp dẫn đầu các đoàn kiểm tra tới các địa phương để kiểm tra, cập nhật tình hình cũng đã được đặt ra. Hàng ngày, đều có báo cáo tổng hợp gửi Bộ trưởng về công tác ứng phó dịch nCoV.
Câu chuyện quanh chiếc khẩu trang y tế có thể được coi là một câu chuyện tiêu biểu. Hành vi một số trung tâm, “chợ” thiết bị y tế lợi dung nhu cầu đột biến về khẩu trang y tế để tăng giá, “găm” hàng, thậm chí lên mạng xã hội hô hào “không bán khẩu trang y tế” để phản ứng việc cơ quan quản lý thực hiện chức năng đã gây bức xúc trong dư luận, đòi hỏi phải có các bước xử lý quyết liệt từ phía cơ quan quản lý và chính quyền sở tại.
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Quản lý thị trường ngày 5/2/2020 cho biết từ ngày 31/1 đến ngày 5/2/2020, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã tiến hành 2.180 vụ kiểm tra, xử lý, tạm giữ: 466.326 chiếc khẩu trang, số tiền xử phạt hành vi sai phạm lên đến 197, 1 triệu đồng.
Ở đây thái độ của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trong vai trò "Tư lệnh" ngành Công Thương là hết sức rõ ràng, dứt khoát. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã coi những hành vi nêu trên là vô đạo đức, cần phải được tập trung xử lý dứt điểm, kiên quyết cho dẫu như nhiều người lý luận, khẩu trang không thuộc mặt hàng bình ổn giá. Bởi theo Bộ trưởng, trong bối cảnh hiện nay, ưu tiên cao nhất là người dân phải có được chiếc khẩu trang như là công cụ chống dịch, bảo đảm sức khỏe để hướng tới mục tiêu hàng đầu của Chính phủ là phòng chống dịch cúm cho hiệu quả. Lực lượng quản lý thị trường phải đi đến cùng, xử lý tận gốc những hành vi nêu trên chứ không chỉ dừng lại ở việc xử lý phần ngọn.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng có những cách đặt vấn đề hết sức cụ thể, đi thẳng vào những góc độ căn cơ trong quản lý, đồng thời mang tính nhân văn cao. Khi mà chiếc khẩu trang đóng vai trò là công cụ thiết yếu phòng dịch, thì điều quan trọng là người dân phải có được những chiếc khẩu trang hợp quy, tránh gặp phải hàng giả. Đặc biệt theo Bộ trưởng, một vấn đề được đặt ra là với những người lao động nghèo, một ngày phải cần đến vài ba chiếc khẩu trang thì rõ ràng đây là một gánh nặng về kinh tế.
Từ cách tiếp cận đó, Bộ trưởng đặt câu hỏi rõ ràng là năng lực các cơ sở dệt may có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường về khẩu trang mà lại để có tình trạng khan hiếm, giá cao. “Phải tính đến việc cung cấp khẩu trang vải có số lần sử dụng cao hơn, hợp quy chuẩn vừa để tăng năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp, vừa cung cấp đủ công cụ phòng dịch cho xã hội”.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng phân tích, thực tế trong công tác điều hành vừa qua cho thấy tuy các đơn vị chức năng của Bộ đã có những chuyển biến nhanh trong phong cách điều hành thế nhưng nó cũng cho thấy sự cần thiết của việc nâng cao hơn nữa hiệu quả của các công cụ quản lý thị trường, cập nhật thông tin ngay giữa các đơn vị thuộc Bộ cũng như việc phối hợp với các Bộ chức năng như Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu chống dịch theo chỉ đạo của Ban Bí thư và Chính phủ. Đặc biệt theo Bộ trưởng, việc ban hành kịp thời các văn bản là cần thiết nhưng quan trọng hơn là cách làm, cách thực hiện.
Thực hiện nghiêm túc, quyết liệt sự chỉ đạo của Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ, những ngày qua nhiều đơn vị chức năng của Bộ đã có những hành động cụ thể. Vụ Thị trường trong nước có văn bản tới các Sở Công Thương và chính quyền các địa phương đề nghị thường xuyên theo dõi sát tình hình thị trường, tổ chức các đoàn kiểm tra các siêu thị, trung tâm phân phối lớn, chợ để đánh giá tình hình cung cầu hàng hóa, giá cả thị trường trong thời gian diễn ra dịch cúm Corona. Đồng thời tổ chức các đoàn làm việc kiểm tra về tình hình thị trường giá cả, nguồn cung hàng hóa taị một số hệ thống phân phối lớn trên địa bàn TP Hà Nội như Siêu thị Big C Thăng Long, siêu thị Coop.mart Hà Nội, siêu thị Vinmart Liễu Giai, Vinmart Cầu Giấy…
Cùng đó, Cục Công nghiệp tham mưu để lãnh đạo Bộ có công văn gửi Bộ Y tế đề nghị hướng dẫn tiêu chuẩn vai sử dụng trong sản xuất khẩu trang vải cho cho doanh nghiệp sản xuất dệt may; làm việc với các doanh nghiệp khẩu trang y tế, các doanh nghiệp dệt may sản xuât khẩu trang vải, và Sở Công Thương một số tỉnh, thành phố để nắm tình hình sản xuất và nguyên liệu.
Cục Xuất nhập khẩu ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo ngày 5/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện theo quy định việc xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới Bộ Công Thương đã có công tới Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Hiệp hội, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân liên quan nhằm tiếp tục theo dõi sát tình hình và cập nhật, đưa thông tin công khai, thường xuyên về diễn biến giao nhận hàng hóa và các vấn đề liên quan khác tại khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là khi phát sinh đột xuất động thái mới từ phía địa phương Trung Quốc giáp biên có khả năng tác động đến hoạt động giao nhận, thông quan, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Theo dõi sát diễn biến hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản nói chung và trái cây nói riêng qua các tỉnh biên giới phía Bắc nhằm chủ động kế hoạch sản xuất, đóng gói, giao nhận, xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác.
Dịch bệnh còn có thể kéo dài, thậm chí không loại trừ diễn biến phức tạp. Tuy nhiên có thể thấy, tâm thế chủ động, quyết liệt và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương cũng như với các bộ, ngành hữu quan đã trở thành chủ đạo. Tất cả để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong việc vừa bảo đảm chống dịch có hiệu quả, vừa bảo đảm thực hiện mức cao nhất các mục tiêu kinh tế xã hội của năm 2020, tạo tâm lý đồng thuận, tin tưởng trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân.