CôngThương - Tuy nhiên, ông Trần Viết Ngãi, chủ tịch hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, dù giá điện đã được vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng trong bối cảnh hiện tại, chưa nên tiếp tục tăng giá điện và EVN khó lòng thuyết phục việc tăng giá điện, ngay cả mức dưới 5%.
Đã hơn hai tháng trôi qua, từ khi có quyết định 24 của Thủ tướng cho phép điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường từ 1.6, người dân và doanh nghiệp thấp thỏm lo ngại giá điện lại tăng. Bởi nếu căn cứ vào các điều khoản trong quyết định này, giá điện có thể tăng vài lần trong một năm nếu giá nhiên liệu đầu vào: dầu, khí, than... tăng chứ không phải mỗi năm tăng một lần như trước đây.
Nỗi lo ấy càng có cơ sở khi mà, tại buổi giao ban bộ Công thương đầu tháng 6, lãnh đạo EVN tiếp tục đưa ra thông điệp: trong thời gian tới nếu không điều chính giá, ngành điện sẽ khó khăn và lãnh đạo này đề xuất đưa khoản lỗ (hơn 8.000 tỉ đồng) năm 2010 của EVN vào trong cấu thành giá điện mới để bù lỗ. Trên thực tế, sức ép để EVN đề xuất tăng giá điện ngày càng lớn không chỉ vì khoản lỗ trên mà tập đoàn này còn có những khoản lỗ rất lớn khác do tác động của các đợt điều chỉnh tỉ giá năm 2010. Do tình trạng lỗ trầm trọng như vậy, EVN càng khó khăn trong việc trả nợ: ví dụ như các khoản nợ mua điện của tập đoàn Dầu khí (đã lên trên 6.400 tỉ đồng), tập đoàn Than – khoáng sản (trên 1.000 tỉ đồng)...
Giá mua đã thấp hơn giá bán
Vậy nhưng, mới đây, trao đổi với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, ông Trần Viết Ngãi, chủ tịch hiệp hội Năng lượng lại nói rằng: “Chưa thể tăng giá điện”. Chắc hẳn điều này sẽ khiến không ít người bất ngờ khi mà cách nay chưa lâu, ông Ngãi từng bày tỏ mức tăng giá điện 15,28% tại thời điểm ngày 1.3 “là quá thấp” và trước đó nữa, giữa năm 2010, hiệp hội Năng lượng từng kiến nghị trực tiếp lên Chính phủ cho phép EVN tăng giá điện lên mức 8cent Mỹ/kWh (hiện nay giá điện trung bình là 6 cent/kWh).
Ông Ngãi nói: năm nay ngành điện gặp nhiều thuận lợi, đó là chủ yếu phát điện từ nguồn thuỷ điện và nhiệt điện, chưa phải phát điện giá cao chạy dầu như mùa khô năm ngoái. Giá thuỷ điện, nhiệt điện, và cả giá điện mua của Trung Quốc hiện đã thấp hơn giá điện bán ra. Do đó, chưa kể các mục tiêu kiềm chế lạm phát, kinh tế khó khăn, thì ngành điện tăng giá thời điểm này cũng không thuyết phục.
Trả lời câu hỏi “Nhưng EVN kêu tình hình tài chính khó khăn, nhất là lỗ vì tỷ giá, và họ đã có cơ sở pháp lý cho phép tăng giá điện dưới 5% nếu chi phí đầu vào cao hơn giá điện hiện tại mức tương ứng”?, ông Ngãi cho rằng, với những thuận lợi về thuỷ điện, nhiệt điện như nói ở trên thì EVN khó lòng chứng minh được giá cả đầu vào đã tăng so với giá điện hiện tại để thuyết phục việc tăng giá. Vì vậy, dù đã nghe thông tin có những đề xuất như đã nói trên, theo vị này, giá điện khó mà tăng tại thời điểm hiện nay.
Phải chứng minh
Ông Tô Quốc Trụ, giám đốc trung tâm Tư vấn năng lượng cũng cho rằng, điều khó nhất với EVN bây giờ là chứng minh giá đầu vào để thuyết phục tăng giá điện. Ngày 19.6, chia sẻ với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ông bày tỏ: bài toán thiếu vốn giờ là khó khăn chung của tất cả các dự án điện chứ không riêng gì EVN, cho nên, EVN đòi tăng giá càng sớm càng tốt là điều dễ hiểu. “Quyết định 24 cho phép EVN tăng giá mức 5% trở xuống nếu giá đầu vào thay đổi. Song vấn đề là EVN có thuyết phục được không! Tôi từng là lãnh đạo trong EVN trước khi sang trung tâm Tư vấn năng lượng nên tôi cũng hiểu được câu chuyện các yếu tố cấu thành giá điện. Tôi đang băn khoăn không hiểu ông ấy (EVN – PV) sẽ chứng minh thế nào. Quan trọng là chứng minh thôi”, ông Trụ lưu ý.
Ông Trụ cũng thông tin, ông có nghe Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nói sẽ xem xét báo cáo lên Chính phủ trong tháng 7 về chuyện tăng giá điện, trong đó, cơ sở quan trọng cần xem xét, theo ông là báo cáo lịch vận hành điện quý 4 của trung tâm Điều độ điện quốc gia (A0) xem hệ thống điện quốc gia sẽ vận hành theo tình trạng nào: thuỷ điện bao nhiêu, nước về hồ ra sao, nhiệt điện bao nhiêu phần trăm…
“Nếu sản lượng thuỷ điện nhiều thì giá thành giảm, còn nếu phải chạy nhiệt điện nhiều thì sẽ khó khăn hơn, vì nhiệt điện đang chạy than trong nước là chủ yếu, nếu than tăng giá bán cho điện thì cần phải tính toán lại. Thêm vào đó, điện Trung Quốc bán cho ta dù rẻ hơn giá điện bình quân nhưng sản lượng cũng chiếm tỷ trọng không lớn. Phải xem xét trên tất cả các yếu tố đó, các mối tương quan đó, từ đó xem giá cấu thành chung cho 1 kWh là thế nào”, ông Trụ phân tích.