Khoa học công nghệ - Động lực chủ đạo cho tăng trưởng kinh tế
Tin hoạt động 09/01/2018 16:54
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Hội nghị là dịp để đánh giá các kết quả đã đạt được trong năm 2017, cũng như trao đổi, thảo luận để đưa ra các giải pháp để triển khai hiệu quả nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2018.
Vai trò then chốt
Trình bày báo cáo tổng kết hoạt động KH&CN tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết, trong năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp với mục tiêu đưa khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp cho phát triển các ngành, lĩnh vực; hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, các sản phẩm chủ lực, trọng điểm của quốc gia theo chuỗi giá trị; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ; cải thiện môi trường kinh doanh của doanh nghiệp; thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia; cải thiện Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII); tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4.0).
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về KH&CN tiếp tục được hoàn thiện để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo. Bộ KH&CN đã hoàn thành và trình 100% văn bản thuộc Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành đúng thời hạn các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã có những đóng góp thiết thực để thúc đẩy phát triển đất nước trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu bảo vệ tổ quốc. Nhiều kỹ thuật tiên tiến đã được ứng dụng hiệu quả vào việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh.
Đặc biệt, KH&CN đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Năng suất một số vật nuôi, cây trồng đạt cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới: Lúa đứng đầu ASEAN; cá tra, hồ tiêu đứng đầu thế giới; cà phê, cao su đứng thứ hai thế giới. Các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được phát triển theo chuỗi giá trị với sự tham gia ngày càng đông đảo của các tập đoàn, doanh nghiệp.
Kết quả hoạt động KH&CN đã đóng góp vào thành tích hoàn thành vượt mức chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) là 9,4%. Trong các lĩnh vực dịch vụ, việc ứng dụng công nghệ thông tin và các công nghệ chủ chốt của CMCN 4.0 được đẩy mạnh. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam tăng 12 bậc (từ vị trí 59/128 lên vị trí 47/127 nước và nền kinh tế), đạt vị trí cao nhất từ trước đến nay.
Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đã phát triển rộng khắp với hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm; 30 cơ sở ươm tạo (BI); 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh (BA), góp phần thúc đẩy số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tăng nhanh với hơn 3.000 doanh nghiệp, gần gấp đôi số lượng năm 2015 (khoảng 1.800 doanh nghiệp). Số lượng và giá trị các thương vụ đầu tư đã tăng đáng kể.
Nhận định về vai trò quan trọng của KH&CN, ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công Thương cho hay, năm 2017, ngành Công Thương đã đạt được những thành công rất lớn trong việc đóng góp vào mục tiêu và chỉ tiêu tăng trưởng của đất nước. Trong thành tích chung của ngành Công Thương có những đóng góp quan trọng của khoa học và công nghệ. Chúng ta thấy rất rõ trong hàng loạt lĩnh vực lớn trong công nghiệp, vai trò của KH&CN đã tạo nên giá trị cụ thể cho các hoạt động sản xuất cũng như hoạt động về tăng trưởng, từ lĩnh vực công nghiệp khai khoáng như ngành than, dầu khí, cho đến các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng, hóa chất... Trong đó phải kể đến những chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giữa Bộ Công Thương và Bộ KH&CN đã mang lại đóng góp rất lớn.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị |
"Đặc biệt, trong năm 2017, thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, những nội dung lớn về cách mạng công nghiệp 4.0 đã được các bộ ngành, trong đó Bộ Công Thương cùng với Bộ KH&CN đã đẩy nhanh và tiến hành triển khai đồng bộ, từ nghiên cứu, đánh giá, định vị những nội hàm cho đến những chương trình cụ thể, đặc biệt đưa vào trong các chương trình tái cơ cấu ngành kinh tế, trong đó có ngành Công Thương", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ.
Cần huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho khoa học
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo các hoạt động về KHCN. Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã nhiều lần làm việc và có nhiều ý kiến chỉ đạo, giao nhiệm vụ đối với các cơ quan, tổ chức trong ngành như làm việc với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu công nghệ cao TPHCM, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam… cũng như tham dự nhiều sự kiện quan trọng của ngành.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các hoạt động KH&CN dưới sự quản lý nhà nước của Bộ KHCN trong năm qua có nhiều tiến bộ như hệ thống pháp luật về khoa học công nghệ, công nghệ cao đã bắt đầu được ứng dụng mạnh mẽ trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp. Tinh thần quốc gia khởi nghiệp phát triển và lan tỏa mạnh mẽ, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển rộng khắp, với nhiều không gian làm việc chung, tổ chức kết nối hỗ trợ khởi nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Đến nay, chúng ta có hơn 900 dự án khởi nghiệp được ươm tạo với 300 sản phẩm khởi nghiệp đã được kết nối đến với cộng đồng và các quỹ đầu tư. Số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tăng nhanh với hơn 3.000 doanh nghiệp. Nhận thức về cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ngày càng nâng cao, có thể kể tới như việc hoàn thiện mạng truyền thông di động 4G, phát triển xa lộ thông tin; phát triển Hệ tri thức Việt số hoá kết nối, chia sẻ hệ dữ liệu mở…
Trao tặng huân chương cho các lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ |
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra một số mặt tồn tại, bất cập như thị trường KHCN phát triển còn chậm. Kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chưa được ứng dụng nhiều trong sản xuất, kinh doanh; chưa có nhiều sản phẩm khoa học và công nghệ được thương mại hóa. Việc phát triển KH&CN chưa thực sự gắn với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Doanh nghiệp chưa trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội đầu tư cho hoạt động KH&CN. Cơ chế tài chính còn bất hợp lý, ràng buộc sự phát triển. Việc chuyển đổi sang cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập vẫn còn lúng túng.
Thủ tướng cho rằng, với thể chế KH&CN, cần xóa bỏ tư duy hành chính hóa, quy hoạch hóa KH&CN và tư duy thành lập mới tổ chức KH&CN phải theo quy hoạch… Bên cạnh đó, đổi mới về phương thức đầu tư, cơ chế đặt hàng cho KH&CN. Chi 2% ngân sách Nhà nước cho KH&CN phải sử dụng hiệu quả hơn. Bộ KH&CN hoặc Hội đồng Chính sách KH&CN cần trình Thủ tướng Chính phủ đưa ra các quyết sách lớn, đặt hàng vĩ mô cho KH&CN gắn liền với chất lượng sản phẩm của đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng thời, cần tập trung đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ hoặc nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng mà Việt Nam đang cần. Phải huy động đầu tư của xã hội, chủ yếu từ doanh nghiệp, thông qua các quỹ KH&CN quốc tế, để có tỉ lệ đầu tư cho KH&CN cao hơn. Có thể chế, cơ chế thuận lợi cho các nhà nghiên cứu trong sử dụng kinh phí; đổi mới chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ KH&CN, trong đó quan tâm đến 3 đối tượng chính là các nhà khoa học đầu ngành, các nhà khoa học được giao chủ trì các nhiệm vụ quan trọng của quốc gia và các nhà khoa học trẻ tài năng.