Khoa học và công nghệ đóng vai trò then chốt với ngành Công Thương
Tin hoạt động 14/12/2017 17:00
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng tại Hội nghị triển khai công tác phối hợp hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp, viện nghiên cứu trường đại học và cao đẳng thuộc Bộ Công Thương, diễn ra sáng nay – ngày 14/12, tại Hà Nội.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng phát biểu tại Hội nghị |
Hội nghị được tổ chức nhằm thảo luận, đánh giá, xác định tiềm năng và cơ chế phối hợp giữa các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và cao đẳng trong hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Đồng thời, tại hội nghị cũng đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ giữa một số trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu và doanh nghiệp.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, giai đoạn vừa qua, trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức và nhiều bất ổn; áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường quốc tế và trong nước, ngành Công Thương đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội để phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển và ổn định kinh tế đất nước.
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ |
Trong thành tích chung của ngành Công Thương có những đóng góp quan trọng của khoa học và công nghệ, của đông đảo đội ngũ các nhà khoa học, cán bộ, công chức, viên chức làm công tác khoa học và công nghệ. “Hoạt động khoa học và công nghệ ngành Công Thương đã bám sát các yêu cầu, định hướng phát triển của Đảng, Chính phủ và của ngành, góp phần thực hiện tốt các yêu cầu và mục tiêu phát triển của ngành Công Thương” – Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàn - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho hay, hoạt động khoa học và công nghệ của ngành Công Thương đã tập trung giải quyết đòi hỏi thực tế, đáp ứng yêu cầu của sản xuất trong cơ chế thị trường để đưa ra các giải pháp và công nghệ phù hợp, giúp doanh nghiệp sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên, đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành Công Thương. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học và công nghệ của ngành được trao các giải thưởng cao quý về khoa học và công nghệ như giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ, giải thưởng VIFOTEC. Các kết quả nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ đã phục vụ phát triển bền vững các lĩnh vực của ngành Công Thương.
Toàn cảnh hội nghị |
Dẫn ra ví dụ cụ thể, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàn chia sẻ, trong lĩnh vực dầu khí, việc nghiên cứu làm chủ công nghệ thiết kế, công nghệ chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90 m và 120 m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam đã đưa Việt Nam vào danh sách các nước có khả năng thiết kế, chế tạo giàn khoan tự nâng dầu khí. Hay, trong lĩnh vực điện và thiết bị điện, đã làm chủ thiết kế, chế tạo các chủng loại biến áp với chất lượng tương đương sản phẩm cùng loại của các nước châu Âu, trong khi giá bán giảm 15-20%...
Tiếp tục khẳng đinh vai trò của khoa học và công nghệ, Tiến sĩ Phan Đăng Phong - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME) nhận định, đối với các nước đi sau về khoa học công nghệ như Việt Nam, hoạt động chuyển giao công nghệ luôn chiếm một vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế và sự phát triển của ngành cơ khí nói riêng. Là một trong những viện nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực cơ khí, tự động hóa, những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu, tiếp thu công nghệ và chuyển giao công nghệ của NARIME luôn được coi trọng, đẩy mạnh.
Một số sản phẩm tạo ra từ nghiên cứu khoa học công nghệ được trưng bày bên lề hội nghị |
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, để nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ, thời gian tới, cần quan tâm, ưu tiên kinh phí cho đầu tư phát triển tiềm lực thiết bị nghiên cứu và nguồn nhân lực cho các tổ chức khoa học và công nghệ; ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng các kết quả, sản phẩm khoa học và công nghệ trong các dự án đầu tư mới, đầu tư đổi mới công nghệ; đẩy mạnh sự phối hợp chặt chẽ, thực chất giữa các viện, trường và doanh nghiệp trong việc đề xuất đặt hàng, tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ…