Khoảng lặng của thị trường gạo thế giới
Theo dữ liệu của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), trong tuần này giá gạo thế giới đồng loạt giảm. Cụ thể, giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Việt Nam đã giảm tổng cộng 5 USD trong 2 ngày 3 và 4/4, xuống còn 577 USD/tấn. Nếu so với thời điểm đỉnh giá 663 USD/tấn vào tháng 12 năm ngoái, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã bốc hơi khoảng 86 USD.
Tương tự, gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan cũng giảm 5 USD trong phiên giao dịch ngày 4/4, xuống mức 581 USD/tấn. Gạo 5% tấm của Pakistan giảm 4 USD, xuống 601 USD/tấn.
Giá gạo tiếp tục giảm |
Chỉ ra nguyên nhân giá gạo kém sôi động và giảm đều trong vòng 2 tuần trở lại đây, theo VFA, do hai nguồn cung chính là Thái Lan và Việt Nam đều ở giai đoạn vụ lúa chính, người mua đang kỳ vọng mức giá thấp hơn. Bên cạnh đó, cước vận chuyển quốc tế tăng cũng đẩy chi phí nhập khẩu gạo tại các nước đến lên cao hơn nên người mua có khuynh hướng chờ đến khi giá cước hạ nhiệt trở lại.
Trong đó, Việt Nam đang thu hoạch vụ lúa Đông xuân, nguồn hàng dồi dào. Ước tính từ Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)- cho thấy, vụ Đông xuân 2023-2024 các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống được 1,498 triệu ha và tính đến cuối tháng 3/2024 đã thu hoạch được trên 925 ngàn ha với năng suất khoảng 6,77 tấn/ha, đạt sản lượng 6,26 triệu tấn lúa. Hiện các địa phương trong vùng vẫn đang tiếp tục diện tích lúa còn lại.
Với Thái Lan, giá gạo nước này tiếp tục đà giảm do nguồn cung này đang trong thời gian thu hoạch cao điểm và không ghi nhận nhiều giao dịch mới do người mua kỳ vọng các mức giá thấp hơn. Theo đó, vụ chính của Thái Lan hiện đã được thu hoạch xong khoảng 40% và dự kiến sẽ hoàn tất trong giữa tháng 4/2024. Bên cạnh đó, các nhà máy xay xát nội địa cũng đẩy mạnh bán ra hàng tồn để đảo kho, gây áp lực giảm giá lên nguồn cung này.
Riêng Pakistan giá dù giảm nhưng vẫn cao hơn Việt Nam và Thái Lan nhờ nhu cầu từ Tây Phi tăng cao. Theo Cơ quan Thống kê Pakistan, nước này đã xuất khẩu 609.295 tấn gạo các loại trong tháng 2/2024, giảm khoảng 19,03% so với tháng 1/2024 và tăng 10,10% so với cùng kỳ 2023. Lũy kế xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2024 đạt 1,362 triệu tấn, tăng khoảng 51,55% so với cùng kỳ năm 2023.
Mặc dù thị trường hiện kém sôi động song theo các chuyên gia, cục diện vẫn theo hướng có lợi cho gạo của Việt Nam. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với cơ quan quản lý như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn để theo dõi sát thông tin thị trường, tận dụng tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo khi các nước có nhu cầu.