Chiều 16/9, tại TP. Đà Nẵng, lãnh đạo chính quyền thành phố đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam về việc phối hợp triển khai dự án nạo vét khơi thông sông Cổ Cò.
Khơi thông sông Cổ Cò được kỳ vọng khơi thông dòng chảy du lịch Quảng Nam - Đà Nẵng, nhưng làm gia tăng nguy cơ xâm nhập mặn sâu vào đất liền |
Sông Cổ Cò có chiều dài hơn 28 km, trong đó, 20 km chảy qua địa phận Quảng Nam, phần còn lại nằm trên địa phận Đà Nẵng. Trải qua quá trình lịch sử, nhiều đoạn sông đã bị bồi lấp, chia cắt dòng sông thành nhiều khúc riêng biệt. Cả tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng đều định hướng thúc đẩy phát triển du lịch đường thủy, dự án là nỗ lực từ cả 2 bên để hiện thực hóa mục tiêu này.
Khơi thông sông Cổ Cò sẽ khớp nối tuyến du lịch đường thủy từ Đà Nẵng vào Hội An, sẽ khai thác được du lịch văn hóa đặc trưng của Đà Nẵng khi đi qua các địa danh như Ngũ Hành Sơn, khơi dậy tiềm năng du lịch của khu vực thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), đồng thời kỳ vọng thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực dòng sông này chảy qua.
Tổng kinh phí đầu tư cho dự án vào khoảng 1.500 tỷ đồng. Trong đó, phía tỉnh Quảng Nam đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, và TP. Đà Nẵng đầu tư 500 tỷ đồng. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào tháng 9/2022. Hiện nhiều hạng mục đã và đang được triển khai, nhiều đoạn sông đã được nạo vét.
Mặc dù xác định đây là dự án đa mục tiêu, thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch cho cả 2 địa phương, tuy nhiên, để khơi dòng Cổ Cò cần dỡ 3 đập ngăn mặn, hiện tại cả TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đều có chung lo ngại về tình trạng xâm nhập mặn tại sông Cẩm Lệ ở Đà Nẵng sẽ tăng cao, ảnh hưởng đến nguồn cấp nước sinh hoạt cho TP. Đà Nẵng.
Cụ thể, ngoài việc thực hiện nạo vét khơi dòng tại các vị trí sông bị bồi lắp, để khớp nối dòng Cổ Cò phải thực hiện tháo dỡ 3 đập ngăn mặn tại 3 vị trí khác nhau trên sông Cổ Cò là đập Hà My (Quảng Nam), đập Đồng Nò, Bờ Quang (Đà Nẵng).
Theo đánh giá tác động môi trường, sau khi khơi thông sông Cổ Cò thì với đáy nạo vét ở mức cao trình -3m, chế độ dòng chảy và độ mặn khu vực thay đổi, nồng độ mặn trên sông Cổ Cò tăng mạnh. Nồng độ mặn tại các sông ở khu vực lân cận cũng ảnh hưởng. Trong đó, đáng chú ý trên sông Cẩm Lệ khu vực đặt nhà máy nước Cầu Đỏ, độ mặn sẽ tăng so với thời điểm hiện tại 0,6÷1,5‰.
Nhà máy nước Cầu Đỏ hiện đảm trách việc cung cấp đến hơn 80% nước sinh hoạt cho TP. Đà Nẵng. Sau khi tháo dỡ 3 đập ngăn mặn, sông Cẩm Lệ đoạn đặt nhà máy nước Cầu Đỏ sẽ đối diện với tình trạng nhiễm mặn nghiêm trọng, và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp nước sinh hoạt cho TP. Đà Nẵng.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo ngại môi trường sinh thái ven sông cũng chịu tác động tiêu cực của việc thực hiện nạo vét, khơi thông này. Một số ý kiến đề xuất lùi việc tháo dỡ 3 đập ngăn mặn để tìm giải pháp cho tình trạng xâm nhập mặn sâu vào đất liền.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - ông Lê Trí Thanh đề nghị hai bên cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong việc tháo dỡ 3 đập ngăn mặn để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường |
Tại buổi làm việc, cả 2 địa phương đều thống nhất phải tìm ra giải pháp căn cơ chống nhiễm mặn cho sông Cẩm Lệ để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho TP. Đà Nẵng và nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho TX. Điện Bàn (Quảng Nam).
Ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị 2 địa phương phải phối hợp chặt chẽ để cùng ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ, cũng như hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực đến môi trường trong và sau khi thực hiện dự án. “Bản đánh giá tác động môi trường của dự án có một số điểm như độ mặn trên sông Cổ Cò sau khi khơi thông, ở phía Đà Nẵng cao hơn Quảng Nam, vì vậy, cần xem lại những cơ sở của đánh giá tác động môi trường, thực tế của xâm nhập mặn sẽ ảnh hưởng như thế nào, cần có những cơ sở khoa học, cụ thể hơn. Để triển khai dự án này thì chúng ta phải hạn chế thấp nhất tác động môi trường”, ông Thanh nói.
Về phía TP. Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh – Phó Chủ tịch UBND thành phố thống nhất với đề xuất từ phía tỉnh Quảng Nam và cam kết sẽ có sự phối hợp chặt chẽ giữa 2 bên để quyết tâm thực hiện dự án theo đúng lộ trình, đi cùng với đó là giải quyết có tính lâu dài vấn đề nhiễm mặn tại sông Cầu Đỏ. Theo ông Chinh, việc mở 3 đập ngăn mặn là cần thiết, vì không mở đập thì việc nạo vét không có ý nghĩa bởi dòng chảy không được khơi thông, tàu thuyền không thể qua lại, nhưng mở đập như thế nào để hạn chế thấp nhất việc xâm nhập mặn sâu vào đất liền thì cần thực hiện có tính khoa học và 2 địa phương sẽ còn tiếp tục ngồi lại để giải quyết vấn đề này.