Bộ Công an đề xuất cấp Căn cước công dân cho trẻ dưới 6 tuổi Khẩn trương hoàn thành cung cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp, mã định danh cá nhân |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa xem xét, quyết định thành lập một số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các tỉnh An Giang, Bắc Ninh, Bắc Kạn, Bến Tre, Bình Dương, Đắk Lắk, Quảng Nam, Thái Nguyên, Trà Vinh, Vĩnh Phúc.
Cho ý kiến về vấn đề này tại phiên họp chiều 13/2, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho hay, các đơn vị đề nghị thành lập đơn vị hành chính đô thị của các tỉnh này đều có vị trí giao thông thuận lợi, có sự phát triển mạnh về kinh tế - xã hội và đô thị hóa.
“Việc thành lập, nhập các đơn vị hành chính đô thị nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, quy hoạch, xây dựng, giao thông, bảo vệ môi trường,… trên địa bàn là cần thiết; đáp ứng nguyện vọng của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương”, Bộ trưởng khẳng định.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đặt vấn đề về thực hiện quy định của Luật Cư trú trong cập nhật điều chỉnh thông tin liên quan đến địa chỉ, nơi cư trú của người dân trong cơ sở dữ liệu về cư trú và cơ sở dữ liệu quốc gia trong trường hợp điều chỉnh địa giới hành chính, tên của đơn vị hành chính.
Theo đó, với 49 xã và 4 huyện sẽ có cả triệu người dân thì có thay đổi căn cước công dân, có cấp lại không vì trước đây là huyện, giờ thành thị xã?
Thông tin về vấn đề này, Thượng tướng Lương Tam Quang - Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là điện tử. Về nguyên tắc, nếu trên căn cước công dân chưa thay đổi thì khi vào dữ liệu điện tử, trong cơ sở dữ liệu vẫn được cập nhật, thay đổi thường xuyên, không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường.
Đặc biệt, nếu như chưa kịp thay đổi căn cước công dân thì trong cơ sở dữ liệu đã thể hiện địa giới hành chính, cái này được cập nhật thường xuyên. Căn cước công dân của chúng ta gắn chíp nên sẽ không ảnh hưởng, đồng bộ ngay lập tức, không bắt buộc người dân làm lại căn cước công dân.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Lương Tam Quang cho rằng, khi thành lập các đơn vị hành chính sẽ phát sinh một số yếu tố tác động, ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Đối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, lực lượng công an cơ sở đang thực hiện theo tinh thần đúng, đủ, sạch, sống.
Dữ liệu được thu thập, dữ liệu được làm sạch và được cập nhật thường xuyên. Do đó, khi có nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các dữ liệu này sẽ được lực lượng công an cơ sở cập nhật, bổ sung.
"Nếu như chưa kịp thay đổi căn căn cước công dân thì trong cơ sở dữ liệu đã thể hiện địa giới hành chính - nội dung này được cập nhật thường xuyên. Căn cước công dân của chúng ta gắn chíp nên sẽ không ảnh hưởng, được đồng bộ ngay lập tức", Thứ trưởng Bộ Công an nói.
Nói rõ hơn vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, các Đại biểu Quốc hội khi đi tiếp xúc cử tri, nếu người dân hỏi thì giải thích rõ, theo đó, trên căn cước công dân đã gắn chip, mặc dù chữ in là xã nhưng trên con chip đã chuyển thành phường. Do đó, người dân có mang căn cước đi đâu thì cũng là phường. Nếu trường hợp người dân thích đổi thành phường trên căn cước thì làm thủ tục, không bắt buộc đổi lại hết.