Không dễ “siết” thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử
Khó như thu thuế qua mạng
Kinh doanh thương mại điện tử, mua bán online đã trở thành xu thế phổ biến của giao dịch hàng hóa hiện đại. Không những thế, TMĐT với lợi thế không phải mất chi phí thuê mặt bằng, kho bãi quá lớn, chi phí quản lý bán hàng gọn nhẹ tới mức tối giản. Thời gian qua, nhiều hoạt động kinh doanh bị bao vây bởi dịch bệnh Covid - 19, thì TMĐT gia tăng khá nhiều. Thế nhưng làm thế nào để vừa kích thích loại hình kinh doanh này mà Nhà nước không thất thu thuế đang là bài toán khó đối với các nhà quản lý. Theo ngành thuế Nghệ An, thời gian tới sẽ có nhiều biện pháp để “siết” thuế đối với thương mại điện tử xuyên biên giới.
Các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử cần thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định. |
Theo nhiều chuyên gia quản lý thuế thì quản lý và chống thất thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử đang là thách thức lớn của ngành. Cái khó ở đây không chỉ nằm ở năng lực cán bộ ngành thuế mà ở tính chất, nội dung của hoạt động thương mại điện tử khác hẳn với kinh doanh truyền thống. Đối tượng kinh doanh ngày càng lắm chiêu trò, không có địa điểm giao dịch cụ thể, có nhiều tài khoản trên một chủ sở hữu, sử dụng tiền mặt trong giao dịch, sử dụng nhiều cách thanh toán…nên để yêu cầu người kinh doanh, kê khai, nộp thuế cũng là việc làm nan giải.
Ngành thuế Nghệ An cũng cho biết, cách thanh toán và kinh doanh thời gian qua gây khó cho ngành Thuế mà chưa kiểm soát đó là giao dịch bán hàng qua mạng, việc trốn lách thuế diễn ra khá dễ dàng. Đơn cử, người bán chuyển hàng qua đơn vị giao hàng, người giao hàng thanh toán cho người bán, sau đó chuyển hàng cho khách, khách lại thanh toán lần hai cho người giao hàng cùng với phí ship. Thêm một hình thức nữa là người mua chuyển tiền mặt cho người bán hoặc người mua chuyển khoản cho người bán nhưng không ghi rõ nội dung gì; người bán vừa bán quầy truyền thống có kê khai thuế với cơ quan thuế theo doanh thu, tuy nhiên vẫn bán hàng trên mạng là chủ yếu và phần doanh thu này không kê khai…Còn thêm nhiều giao dịch đó là khi hoạt động mua bán diễn ra trên mạng, nhưng chủ hàng thỏa thuận với người mua là khi chuyển tiền và không kèm bất cứ thông tin gì, sau đó nhắn tin riêng ở Facebook, Zalo hoặc các mạng khác để thông báo đã chuyển tiền. Với cách thức đó, kể cả ngành Thuế khi được quyền truy cập tài khoản của khách hàng cũng không thể biết được giao dịch nào là mua bán, nội dung gì bởi tiền chuyển khoản có thể cho, tặng, biếu, cho vay… giữa các bên.
Ông Vương Đình Chinh - Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ Cục Thuế Nghệ An cũng thừa nhận - mặc dù đã có chế tài, tuy nhiên, cũng chỉ mới có các trang bán hàng lớn như Zalo, Facebook, một số chủ hàng lớn kê khai thuế, còn hàng ngàn trang mạng nhỏ hơn vẫn rất khó kiểm soát. Cho đến thời điểm này, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng theo ông Chinh thừa nhận - thì quản lý và chống thất thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử là thách thức lớn của ngành và nếu không có chế tài phù hợp thì khó mà kiểm soát hết được.
Rốt ráo triển khai nhưng vẫn khó
Trong năm 2020 Sở Công Thương Nghệ An phối hợp với Cục Thương mại điện tử - Bộ Công Thương nắm tình hình, cung cấp cho Cục Thuế về tình hình TMĐT. Theo đó, trong năm 2020 tỉnh này có 438 website thương mại điện tử bán hàng, 6 website sàn giao dịch thương mại điện tử, 1 ứng dụng di động của các tổ chức, cá nhân hợp pháp đã đăng ký với Bộ Công Thương theo quy định.
Cũng theo đại diện Sở Công Thương Nghệ An, TMĐT thời gian qua phát triển khá mạnh mẽ. Các doanh nghiệp lớn có thương hiệu khi làm TMĐT khá chuyên nghiệp, kinh doanh đều đăng ký công khai thông tin với Bộ Công Thương về tên, địa chỉ website…thế nhưng bên cạnh đó vẫn còn những sàn, chủ trang mạng xã hội bán những hàng không đảm bảo chất lượng hoặc vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ; trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng...vừa khó để giám sát cũng như thu thuế.
Nhiều cơ sở kinh doanh online (có địa điểm trưng bày hàng hoá) tại Nghệ An bị lực lượng chức năng “sờ gáy” do kinh doanh hàng hoá không có hóa đơn, chứng từ…trong thời gian qua. |
Vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An đã có Chỉ thị về tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại (từ tháng 7/2020) và mặc dù các cơ quan chức năng đã có một số hoạt động phối hợp nhưng kết quả chưa khả quan. Đến nay, ngành Thuế Nghệ An vẫn đang tiếp tục theo dõi và nắm bắt nhưng chưa có số liệu cụ thể.
Chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý thuế TMĐT, đại diện Cục Thuế Nghệ An cho biết, đơn vị này đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường phối hợp với cơ quan thuế quản lý hoạt động kinh doanh TMĐT thế nhưng vẫn còn tồn tại khá nhiều khó khăn, bất cập. Cụ thể, hiện nay rất nhiều cá nhân, tổ chức bán hàng trên các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo…không hề xuất hóa đơn bán hàng; khi giao hàng thì nhờ các công ty vận chuyển thu tiền hộ, thanh toán qua kênh riêng, hoặc các tổ chức này có kê khai doanh thu với cơ quan thuế nhưng vẫn chỉ là khai tượng trưng, dẫn đến việc cơ quan thuế không thể kiểm soát được doanh thu tính thuế của người nộp thuế, nên chưa thể thu kịp thời các nguồn thuế phát sinh vào ngân sách nhà nước, dẫn đến tình trạng còn thất thu thuế.
Còn theo đại diện Cục Thuế TP. Vinh, loại hình, hình thức kinh doanh TMĐT đa dạng trên nhiều nền tảng, xuyên biên giới, phát triển nhanh đòi hỏi cơ chế chính sách, công tác quản lý phải có định hướng, dự báo, bao quát theo kịp được sự phát triển của hoạt động TMĐT. Do đó, để công tác quản lý đối với hoạt động TMĐT mang lại hiệu quả cần có sự phối hợp của các ngành, các cơ quan chức năng cùng xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, rõ ràng làm cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ của mình.
Vị này cũng cho biết thêm, cùng với việc tuyên truyền, tập huấn, cục thuế đã có công văn hướng dẫn các cá nhân kinh doanh TMĐT thực hiện thủ tục đăng ký thuế. Bộ thủ tục hướng dẫn này cũng được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục Thuế thành phố. Đồng thời, cơ quan thuế đăng tải trên bảng thông báo tại bộ phận “một cửa” để các cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuế lưu ý, hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể về nội dung kê khai đối với người nộp thuế.
Mặt khác, ngành Thuế Nghệ An sẽ tổ chức tập huấn, khuyến khích các cá nhân, tổ chức kinh doanh qua mạng, giao dịch điện tử, tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định; thực hiện rà soát, thanh tra, kiểm tra đối với một số trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh theo hình thức TMĐT.