Nỗ lực từ các bộ, ngành
Thông báo kết quả “Tháng hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới”, ông Phạm Văn Toàn - Phó Chánh thanh tra Bộ KH&CN - cho biết, cùng với các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, các hoạt động nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý, các cơ quan bảo hộ và thực thi quyền SHTT… được coi là hoạt động thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại nhiều tổ chức, doanh nghiệp (DN).
Theo đó, trong tháng 4, Thanh tra Bộ KH&CN phối hợp với lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 11 đơn vị, cá nhân có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Qua đó, tiến hành xử lý hành chính đối với 11 đối tượng với tổng số tiền phạt là 254 triệu đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý 1 đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả và hiện đang hoàn tất hồ sơ để xử phạt 3 đơn vị vi phạm.
Trong tháng 4, Bộ KH&CN đã chủ trì tổng kết Chương trình phối hợp hành động phòng và chống xâm phạm SHTT giai đoạn II (2012 - 2015) gồm 11 bộ, ngành liên quan; trong đó các lực lượng chức năng của các ngành đã tiếp nhận 18.329 vụ việc có dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT, sản xuất, buôn bán hàng giả. Đã xử lý 18.209 vụ việc, phạt tiền 18.034 vụ việc với tổng số tiền trên 73 tỷ đồng; khởi tố 120 vụ án về hàng giả và xâm phạm SHTT với 196 bị can; cơ quan kiểm sát đã truy tố 84 vụ/140 bị can.
“Các bộ, ngành và các lực lượng chức năng trong cả nước đã có rất nhiều nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống xâm phạm quyền SHTT” - ông Toàn đánh giá.
Bản quyền phần mềm máy tính: Lợi - hại đều do doanh nghiệp
Trong công tác thực thi bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan, đặc biệt là bản quyền phần mềm máy tính, Giám đốc cao cấp phụ trách Chương trình tuân thủ khu vực châu Á - Thái Bình Dương của BSA - ông Roland Chan - cho biết, kết quả một số khảo sát thực hiện tại nhiều quốc gia cho thấy, các tổ chức, DN ý thức cao về tác hại của việc sử dụng các phần mềm không bản quyền. Tại Việt Nam, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm là 81% trong năm 2013- một tỷ lệ khá cao.
Thừa nhận con số 81% hiện nay là cao, song, ông Trần Văn Minh - Phó Chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL - khẳng định, 10 năm trước, tỷ lệ này thậm chí là 98%. Tuy nhiên, không thể chỉ nhìn vào con số trên để đánh giá kết quả thực thi quyền SHTT của Việt Nam, vì “10 năm trước, số lượng máy tính tại Việt nam chỉ bằng 1/10 hiện nay, tỷ lệ người sử dụng intenet cũng rất thấp. Ông Trần Văn Minh phân tích thêm, cùng với việc tăng theo cấp số nhân về số lượng máy tính, người sử dụng máy tính là sự gia tăng nhanh chóng các phần mềm được cài đặt, sử dụng trên một máy tính.
Nội dung “… Nâng cao nhận thức thực thi các quy định pháp luật về quyền tác giả, các quyền liên quan trong toàn xã hội; củng cố và tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý, các cơ quan thực thi quyền tác giả từ Trung ương đến địa phương” đã được Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đưa vào Nghị quyết Hội nghị lần thứ IX (tháng 6/2014) cho thấy tính cấp thiết của vấn đề phòng, chống vi phạm quyền SHTT. |
“Với xu hướng tích hợp ngày càng cao thì hiện nay, trên một máy tính có thể được cài đặt nhiều phần mềm. Vì vậy, việc giảm từ 98% xuống 81% tỷ lệ đã khẳng định nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong công tác phòng, chống vi phạm quyền SHTT đối với phần mềm máy tính” - ông Trần Văn Minh nhận định.
Tán thành phân tích của ông Minh, ông Roland Chan bổ sung, so với một số quốc gia khác mà BSA đã khảo sát, ví dụ như tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính của Trung Quốc là 70% nhưng họ có trên 1 tỷ dân. Vì vậy, phải đánh giá tỷ lệ giảm trên tổng số máy, nhất là tổng số máy tính tăng trưởng mới theo từng năm.
Đưa ra khuyến cáo với các tổ chức, DN, ông Roland Chan lưu ý: “đã đến lúc các DN phải tự quyết định có hay không việc sử dụng phần mềm không có bản quyền vì việc này sẽ ảnh hưởng trực tiết đến an ninh hệ thống máy tính của chính DN. Vấn đề không chỉ dừng lại ở việc buộc phải tuân thủ pháp luật mà chính là an ninh, an toàn cho chính hệ thống máy tính của tổ chức, doanh nghiệp” – ông Roland Chan kết luận.
TIN LIÊN QUAN | |